Cha con người hát rong - 4

CHA CON CON NGƯỜI HÁT RONG

VÕ THỊ XUÂN HÀ (tiếp)

''Ta tiếc xưa yêu cuồng si
người nỡ quay mặt đi.:.


(Bài hát Mộng đẹp lứa đôi)

7. Thằng Đình mười sáu tuổi có lẻ. Trán dô, miệng cá. Nó đi đánh giày mà mắt cứ ngước lên trời xanh. Vậy mà nó lại đắt hàng. Khách thấy một thằng bé không còn bé, dáng đĩnh đạc, mắt nhìn lên trời thì tin tưởng hơn mấy đứa mắt cứ nhìn chằm chằm vô bất cứ đôi giày nào trên đường, trong quán. Nhưng nó không giành khách một mình, có khi hai ba ông khách vẫy nó lại, lập tức ba bốn đứa xúm vào cùng đánh. Chính vì thếmà đôi khi thằng Đình bị đá ** oan. Những ông khách khó tính tưởng nó là cò mồi giành khách cho đàn em nên tức khí thu giày lại, đá cho nó vài cái cho nhớ đời rồi hầm hầm bỏ đi. Thằng Đình những lúc như thế cũng không cãi lại một câu. Những người thân quen bảo ăn là nó ăn, không khách khí. Nhưng nó không lấy tiền thừa nếu khách hách dịch ném tiền vô mặt nó. Ba tui bảo thằng Đình đi đánh giày mà mãi không học được chữ nhẫn, dù đã biết nhịn. Tui không biết nó nhẫn hay nhịn, nhưng tui thấy nó có lý.
Tui không biết bằng cách nào, mỗi khi tui đứng hát trên hè phố là ở đó đã lấp ló gương mặt thằng Đình, hoặc đang ngồi đánh giày cạnh đó, hoặc đang đứng há hốc mồm nhìn cái cần đàn của cha tui rung theo lời ca.
Giấu tiền rồi, khấn mạ rồi, tui vẫn lo. Tui kiếm cớ đi lên phố mua đồ để kiếm thằng Đình. Chỉ có nó mới có thể giúp tui tìm ra ông Minh trống.
Đêm ở Huế không trăng không sao mà vẫn cứ lấp lánh sáng. Không phải vì ánh đèn trên phố hắt ngược lên trời mà có lẽ do ánh lân tinh dưới dòng Hương Giang làm cho muôn ngàn ánh sao chạy trốn trong đêm phải
hé sáng. Tui chưa bao giờ đi tìm thằng Đình, chưa biết nó ngủ nghê dưới chân cầu Trường Tiền với chúng bạn ra sao. Tui bước thấp bước cao, bên tai vẫn văng vẳng những lời nói qua nói lại giữa ba với người đàn ông. Những lời nói được dệt bằng những ca từ Người ơi nếu còn vầng trăng soi dòng Hương, núi Ngự còn thông reo chiểu buông, tôi vẫn còn thương. Bóng hình mạ hiện lên như một điều bí ẩn giữa hai người đàn ông.
Tui đi men dưới bến, nơi khi xưa vua thường ra ngự ngắm trăng in đáy nước. Ở những chỗ này bây giờ thành phố cho đặt những chiếc ghế đá. Hai bên bờ sông Hương, trải dài từ đầu đường Hưng Đạo bên bờ bắc và đường Lê Lợi bên bờ Nam, từ chân cầu Mới cho đến cầu Trường Tiền là vườn hoa. Chỗ nhìn thẳng mặt từ điện Thái Hòa sang có những cây phượng cổ thụ, tán xòe rộng. Có một tán mái lợp ngói phượng màu lam, trùm lên bốn cột trụ bằng đá được đặt vững chãi trên nền đá mát lạnh có những bậc tam cấp khắc hình rộng bay phượng múa, nơi xưa kia vua và cung tần mỹ nữ ngồi nghỉ trước khi xuống bến. Tui và ba hay gặp đám thằng Đình ngồi chơi ù ở đó. Rồi chúng lôi các thứ kiếm được ra ăn bữa chiều, ăn xong nhảy xuống sông tắm. Đến tối khuya khi bảo vệ đi rọi đèn thì chúng đã lẩn đi từ lúc nào, đang nằm im lặng dưới gầm cầu Trường Tiền.
Tui đi đến chỗ đó. Tui gọi khẽ. Đình ơi, Đình! Từ trong bóng tối, một bàn tay bịt chặt miệng tui. Tui vùng ra. Không phải thằng Đình mà là thằng Vinh keo. Thằng Vinh keo làm nghề đi rao lưới. Vài ba tấm lưới cá trên tay, lẵng nhẵng theo khách vạn chài, mỗi ngày kể nó cũng kiếm đủ hai bữa ăn. Nó hơn tui một tuổi, đầu nhọn như đầu chim, mắt lươn ti hí. Thằng Vinh keo túm chặt tay tui.
“Cô kiếm thằng Đình làm chi. Nó không phải là thằng đàn ông”
“Tui có công chuyện”
“Chuyện chi? Đến kỳ động đực phải không?”
“Đồ khốn!”
Vinh keo vặn chặt tay tui hơn. Cái liệng hôi như con cóc ghẻ của nó kề sát miệng tui. Tui cong người cố thoát ra.
“Mi là đứa con gái ngu. Mi thử ngoan ngoãn xem có mất cái chi? Ngoan mai tui cho thêm tiền.”
Vinh keo quặp chặt tui bằng một tay, một tay giơ lên đình giật khuy áo tui. Tui gào lên trong cổ họng. Tui không gào to vì không muốn thiên hạ biết chuyện.
“Cô gào như một con mèo cái!”
Bốp? Một cái tát trời giáng vô mặt thằng Vinh keo. Nó đưa tay ôm mặt, chửi thằng nào gây tau, thằng ấy chết. Tui chưa kịp hoàn hồn, ngồi phệt xuống cỏ, nước mắt trào ra. Lúc đó tui mới nhìn thấy ông Minh trống đang chống nạnh nhìn Vinh keo. Thằng Vinh keo nhìn thấy người đàn ông đó thì im phắt, lặng lẽ biến đi. Tui sợ hãi nhìn người đàn ông đang đứng trước mặt. Nhưng mắc chi mà sợ? Tui đi tìm ông ta thì ông ta đang đứng trước mặt tui đây. Tui phủi quần đứng lên. Ông quắc mắt nhìn tui.
“Con gái con nứa đi đâu đêm hôm để tụi mắc dịch nó chọc ghẹo?”
“Tui đi kiếm ông. Nhưng tui định nhờ thằng Đình kiếm nên tui không màng theo tiền”.
“Mang cái người còn không nối, mang tiền theo chi?”
“Mang tiền trả ông. Ông đưa nhầm tiền cho tui không sợ tui lấy sao?”
“Tiền đó con giữ mà phòng thân. Thực ra ta còn muốn cho con rất nhiều. Nhưng e...”
Tôi không hiểu. Tui nhìn người đàn ông đang đứng cúi đầu như quên mất vừa nói những gì với một đứa con gái nghèo. Ông đứng trong ánh lân tinh từ dưới sông hắt lên, mùi nước hoa thơm thoang thoảng.
“Con giống mạ con quá”
“Ông có thể kêu tui bằng em. Tui biết ông có tiền nên tụi thằng Vinh keo sợ. Tui không cần tiền của ông. Không thích ông kêu tui là con. Tui năm nay mười sáu có lẻ. Tui cám ơn ông về vụ vừa rồi. Mai ông ở đâu để tui đến trả?”.
“Con ơi, tính khí con không giống mạ, nhưng gương mặt hình dáng thì y hệt. Con cầm tiền cho ta yên lòng. Ta phải đi xa. Khi nào có thể ta sẽ tin về cho con”.
“Tui không biết ông là ai. Tui nói cho ông nghe, tui biết ba tui với ông không thích nhau. Tui cầm tiền của ông, ba tui giết”
“Ta biết con không có chỗ cất tiền nên cũng chỉ đưa cho con có vậy. Ta đã tính cho con sau này. Con nhớ lời ta: Phải giữ mình. Nhớ chăm sóc ba. Khi cần giúp đỡ, con nên nhờ thằng Đình. Nó người cùng làng với ta”.

8. Thằng Đình đưa cho tui lá thư của ông Minh trống. Tui đọc thư, không biết nên xóa hay nên nhớ.
''Ta vốn là tay trống giỏi của một đội ca múa cung đình Huế trong thành phố. Ngày ấy thành phố mới giải phóng được bảy năm. Ngày ấy ta hai ba tuổi, mải chơi hơn chăm nghề. Nhưng vẻ đẹp trai và tài trống của ta vẫn làm cho nhiều cô gái bỏ nhà chạy theo. Ta phung phí họ như phung phí những đồng tiền kiếm được sau những dám diễn. Riêng Ngàn không để ý đến ta. Cô ấy ở đội múa cung đình. Ngàn có dôi mắt buồn và gương mặt thanh tú của con gái miệt vườn Kim Long. Trong đội ca cung đình ngày ấy có anh Ba ở ngoài Bắc vào. Anh Ba mồ côi không rõ quê hương bản quán, sau giải phóng dạt vào Huế. Vì có giọng hát hay nên được nhận vào đội. Ngàn và anh Ba yêu nhau. Ta lẽ là không nên có mặt trong cuộc đời họ. Và như thế sẽ không có cuộc hội ngộ với con vừa rồi.
Ta vừa nói ta là một kẻ ham chơi, ngông cuồng. Ta ghen với anh Ba, không phải vì yêu Ngàn, mà vì ta tự ái. Chuyện ta gây ra với Ngàn, ta không muốn kể dài dòng. Đại dể ta đã cưỡng ép Ngàn khi cô ấy và anh Ba sắp làm đám cưới. Anh Ba đã đâm ta một nhát dao nhưng vết thương không sâu. Ta bị kết án ba năm tù. Còn anh Ba thì bỏ đi. Nhưng đau cho ta là khi vào trại giam, ta bỗng thương nhớ cô ấy, thương thực sự. Ông trời bắt ta phải trả giá là yêu thương trong sám hối khốn khổ. Ngàn có đến thăm ta một lần. Cô ấy ngồi nhìn ta, nước mắt chảy xuống mà không trách ta một lời. Thà cô ấy cứ thù hằn rủa xả ta còn chịu đựng được. Trong tù ta luôn nhìn thấy vẻ mặt dịu dàng của Ngàn nhìn ta vẻ đau đớn tột cùng khi ta xâm hại đến thân thể cô ấy. Ngay sau đó, ta được tin hai người đã làm đám cưới. Rồi ta được tin Ngàn xin giảm án cho ta. Hơn bảy tháng sau đám cưới, Ngàn sinh ra đứa con gái là con.
Con ơi, ta không biết con là con gái của anh Ba hay của ta. Và lẽ ra ta nên im lặng suốt đời. Nhưng ở phương trơi xa xôi, ta vẫn không thôi nhớ đến ta vẫn có một đứa con gái của người đàn bà mà ta không bao giờ với tới dược. Dù mạ con đã ở cõi âm, mạ con vẫn là người đàn bà duy nhất trong lòng ta. Ta viết thư này để được sám hối với con, có như vậy lòng ta mới thanh thản”.


(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: