Hãy buộc một dải ruy băng vàng lên cây sồi

Hãy buộc một dải ruy băng vàng lên cây sồi
Phan Việt
(Các nhân vật trong truyện này hoàn toàn hư cấu. Nếu có bất kỳ sự trùng lặp nào với người thật, việc thật thì chỉ là ngẫu nhiên...hì hì...tác zả vô can)
Đêm trước hôm rời Hà Nội sang Mỹ học, cô không sao ngủ được. Bố mẹ giục cô đi ngủ sớm để giữ sức khoẻ cho chuyến bay dài vượt đại dương sang bên kia bán cầu. Cô tắt điện để chiều lòng bố mẹ, tắt cả cái đèn ngủ nhỏ mà hàng đêm cô vẫn giữ sáng; rồi nằm trong bóng tối nghe nhạc từ một cái cassette cũ. Có hai bài hát cô mở đi mở lại trong một băng nhạc Folk - Country của Mỹ. Một là bài I am leaving on a jet plane của John Denver; một là bài Tie a yellow ribbon round the ole oak trê do Tony Orlando hát. Bài thứ nhất làm cô nghĩ đến phim Amageddon, một phim khá hiện đại, nên cô không thích lắm. Bài thứ hai làm cho cô thấy đau thắt trong lòng. Lời của nó thế này:
Em yêu ơi, hãy buộc một dải ruy băng vàng lên cây sồi già duy nhất
Cây sồi đã ở đó lâu rồi. Còn em có yêu anh nữa không?
Nếu không có dải ruy băng ấy, anh sẽ tiếp tục đi và sẽ cố quên những gì chúng ta đã có vì anh là người có lỗi
Em yêu ơi, anh sẽ đi nếu không nhìn thấy dải ruy băng vàng.
Bác tài ơi, làm ơn nhìn hộ tôi
Vì tôi không có can đảm nhìn cây sồi già duy nhất ấy
Tôi là một kẻ tội nhân, và chỉ có tình yêu của cô ấy mới đem đến tha thứ
Và cô ấy sẽ tha thứ nếu cô ấy buộc lên cây sồi già một dải ruy băng”
Cô đã nghe câu chuyện này nhiều lần rồi. Câu chuyện có thật và xảy ra vào năm 1972 ở một miền nào đó của nước Mỹ - nơi mà cô sắp đến. Chuyện kể về một người con trai phải đi tù ba năm vì phạm tội. Anh viết thư cho vợ và nhắn cô ấy nếu còn yêu và tha thứ cho anh thì hãy buộc lên cây sồi già duy nhất trong quảng trường của thị trấn họ sống một dải ruy băng vàng vào ngày anh sẽ mãn hạn tù. Nếu anh đi xe đò qua mà không thấy có dải ruy băng vàng đó, anh sẽ rời thị trấn và bỏ đi biệt tích, không quay lại làm rầy cô nữa.
Chuyện cũng kể rằng ngưòi con trai này đã khóc nữc nở khi anh nhìn thấy hàng trăm dải ruy băng vàng được buộc quanh cây sồi già trong quảng trường thị trấn vào buổi chiều hôm anh trở về nhà.
Năm 1972, đĩa nhạc này của Tony Orlando trở thành đĩa bán chạy nhất. Tháng 12 năm đó, nước Mỹ - trong một nỗ lực cuối cùng của những kẻ sắp bại trận - đã ném bom tàn phá Hà Nội vào chính những ngày Giáng Sinh. Những ngưòi mẹ, người chị Mỹ phản chiến cho chiến tranh Việt
Nam bắt đầu đeo một dải ruy băng vàng trên ngực áo với thông điệp: hãy đưa những người lính trở về nhà. Năm 1991, cuộc chiến ở Iraq một lần nữa làm thay đổi ý nghĩa của dải băng vàng. Nhưng lúc nào nó cũng vẫn là niềm tin, tình yêu và tha thứ.
Cô nằm nghe bài hát rất nhiều lần, rồi ngủ quên lúc nào không biết. Buổi trưa hôm sau ở sân bay Nội Bài, cô cười rất tươi, ôm hôn bạn bè, các chị em gái rồi vội vàng đi vào phòng cách ly. Hai tiếng sau, ở sân bay Hồng Kông, cô ngồi một mình trên ghế dài mặc cho nước mắt chảy xuống.
***
Có một người nhất định không đi tiễn cô vào ngày cô đi. Người này về sau cũng không giải thích lý do và cũng không kể anh đã làm gì vào ngày đó. Thực ra, một lời giải thích là không cần thiết. Cả anh và cô đều hiểu.
Chính người này đã hẹn gặp cô vào buổi tối trước buổi tối cô nằm không ngủ. Cô và anh đi luăng quăng qua các con phố, chẳng ai nói câu gì. Đến bây giờ cô vãn còn nhớ cảm giác đó - cảm giác ở rất gần với anh mà chẳng thể nào nói được điều gì. Mà biết nói gì? Cô đoán anh cũng ngổn ngang như cô. Hai người cứ đi. Anh đưa cô qua tất cả những con phố họ vẫn thường qua; cả những con đường dài vắng vẻ trên Hồ Tây - lúc chiều tà vẫn hay gợi nhớ đến Chiều ở Autengeui của Monet, cả những khu phố cổ náo nhiệt - chợ Hàng Da, phố Hàng Điếu, Lý Quốc Sư, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bông và Hàng Đào. Họ ngồi uống nước mía ở ngay đầu phố Hàng Điếu, chỗ ngã năm chợ. Đấy là lần duy nhất trong cả buổi tối, cô nhìn thoáng vào mặt anh. Bình thản và điềm đạm. Khi đưa cô về ngõ, anh cười, cũng không nhìn vào mặt cô, và nói: “Nhớ giữ gìn sức khoẻ, có gì thì viết thư về nhé”.
Chính người này, mùa hè trước đó vẫn hay chơi Passion Blue trên chiếc piano cũ của Nga mỗi khi cô ghé qua nhà. Anh cũng đưa cô đến những lớp học vẽ người xem anh vẽ. Cô đã ngồi hàng giờ trong căn phòng chật chội trên gác hai của một ông hoạ sỹ già, xem anh và các bạn đo và vẽ bằng than chì. Anh là người duy nhất trong lớp được phép vẽ sơn dầu. Hai bàn tay anh gầy có những ngón dài và xương, nắn nót đưa những nét cọ trên tấm toan trắng. Lúc nào cũng bình thản và điềm đạm như thế.
Cũng chính người này đã đi dạo với cô những tối Sapa mù sương khi bạn bè mải chơi bài hay trêu nhau. Anh mua ngô nướng và kem; đi đến khi mỏi chân thì về.
Trong ba năm quen biết, anh và cô chưa bao giờ cần nói với nhau về tình cảm của mình. Đến tận ngày cô đi cũng thế. Họ cũng chưa bao giờ cầm tay; chưa bao giờ gần gũi. Thậm chí họ cũng không có cả ý nghĩ đó. Nhưng cảm giác thì thật rõ ràng: rằng người kia luôn ở gần khi ta cần. Cả hai đều biết là có quá nhiều thời gian và việc phải làm ở phía trước.
***
Có thật là có nhiều thời gian không?
Lúc ngồi ở sân bay Hồng Kông để kệ cho nước mắt chảy, em có cảm giác như là trách móc. Trách điều gì thì em cũng không hiểu. Chỉ cảm thấy có một chút trống vắng và cảm thấy rõ ràng có cái gì đó đã ra có thể tốt hơn, chắc chắn hơn. Lần này em đi, nhanh thì 3 năm, mà lâu thì chưa biết đến bao giờ sẽ về. Một cái gì đó níu chắc chắn có lẽ là một cái em cần lúc đó. Thế mà em chỉ cảm thấy đi là đi.
Nước mắt chảy một lúc thì em bắt đầu bình tĩnh lại và lôi túi sách ra lục lọi xem bạn bè với bố mẹ còn cố nhét thêm gì lúc sáng nay. Em thấy có một cái gói giấy nho nhỏ, vặn thành hình cái kẹo to, không biết của ai bỏ vào túi. Mở ra thì thấy bên trong là một cái túi nhỏ xíu bằng vải nhung đỏ rực, có dây thắt miệng màu vàng rực giống như túi của các bà già. Bên trong túi có một cái vòng bạc đeo cổ rất đẹp. Cái vòng bạc này - người mà em kể là không đi tiễn em đã đeo nó không biết từ bao giờ rồi. Em không biết ai đã bỏ nó vào túi em sáng nay.
***
“Dear G,” - anh viết, lúc nào cũng bằng tiếng Anh, chắc viết từ văn phòng.
"Are you doing fine over there? It is almost autumn here, beautiful as always. What a shame I don’t have time to enjoy it. The reason is already known: too much work. Are you doing okie, G?”
Lúc nào anh cũng vẫn thế: are you doing fine? Cô có doing fine không ư? Có và không. Làm thế nào để giải thích cho anh hiểu khi mà anh không có cùng tham chiếu về nước Mỹ này? Làm thế nào để anh biết về những mệt nhọc của cuộc sống mới xa xôi, những lo toan hàng ngày; những niềm vui không có người nào xung quanh thực tâm hiểu được; những câu đùa mà những người không chung ngôn ngữ với cô chỉ có thể tán thưởng mà không bắt hết ý. Làm thế nào để cho anh hiểu được những giây phút lo thắt ruột khi một mình lo toan mọi thứ; những lúc nghe một giọng ca nữ hát “Tôi mong về Hà Nội để thương áo len cài vội một chiều đông rét mướt” mà thấy xúc động sâu tận đáy lòng; những lúc đêm muốn gọi điện hay nói chuyện về nhà mà cứ phải nói nhỏ vì các bạn cùng phòng đang ngủ;rồi những khi vui như điên vì những thành tích, những tiến bộ mới, những người bạn mới mà không thể kể cho anh vì không muốn phải dài dòng kể hết về người này người nọ.
“Dear M,” - cô ấn vào nút reply:
“ I am doing perfectly fine here. Yeah, what a shame you don’t find time to enjoy beautiful days in
Hanoi. The reason is indeed known and confirmed silly. Are you doing okie too, M?”
***
Em đeo cái vòng cổ bằng bạc đó từ ngày sang Mỹ. Không biết sẽ đeo đến bao giờ. Em vẫn doing fine in almost every way, except one. Cái này thì có lẽ em sẽ phải doing my way thôi.
***
Cuộc chiến mới ở Apghanistan làm cho cả nước Mỹ nơi cô đang sống như lên cơn sốt. Khắp nơi, cô gặp những người Mỹ đeo những dải ruy băng có ba màu trắng, xanh và đỏ như màu cờ Mỹ. Cô cũng dán một dải ruy băng vàng lên trước máy vi tính trong phòng riêng. Các bạn cùng nhà tò mò hỏi, cô chỉ cười và dài giọng hát vui vui:
Em yêu ơi, hãy buộc một dải ruy băng vàng lên cây sồi già duy nhất
Cây sồi đã ở đó lâu rồi. Còn em có yêu anh nữa không?
Nếu không có dải ruy băng ấy, anh sẽ tiếp tục đi và sẽ cố quên những gì chúng ta đã có vì anh là người có lỗi
Em yêu ơi, anh sẽ đi nếu không nhìn thấy dải ruy băng vàng
PV

Ngày đùa

Ảnh lấy từ trang www.photo.com.vn

Một truyện từ rất lâu của Nguyễn Ngọc Tư, trước rất nhiều “Cánh đồng bất tận” –best seller của VHVN 2005

“Hôm ấy là ngày một tháng tư. Ngày này, người đời hay đùa lắm.”

NGÀY ĐÙA

San có điện thoại. Chẳng sung sướng gì khi phải chạy cồng cộc qua hai mươi tư bậc thang lên tầng hai, mở cánh cửa kiếng mới vào được văn phòng Nhà văn hoá Huyện. Giọng bên kia máy hơi đứt quãng, nhừa nhựa :
- San ơi !
San thở cái phào:
- Chuyện gì đó, Phương ?
- Anh nhớ em.
- Ừ.
- Nhớ thiệt. Anh thương em thiệt là thương.
San nhăn mặt:
- Đang tập thoại đoạn kịch nào vậy ? Nói y như thiệt.
San nghe Phương thở ngắn, rồi lặng đi, rồi thở dài :
- San nhớ uống thuốc nghen !
- Trời đất, bệnh gì mà uống ?
- Dặn trước, mai mốt bịnh thì uống. Mai mốt bịnh, anh không dặn nữa.
- Trời đất – San bật cười – Không còn gì nữa em thôi nghen.
- Ừ… thôi. Vĩnh biệt. Anh từ giã em, anh chết. Anh thương em nhiều lắm, thiệt mà, San.

San nhún vai, gác máy. Chị quay ra. Phải mười năm trước, nghe được câu này của Phương, thê nào San cũng cảm động ứa nước mắt luôn cho mà coi. Bây giờ nghe buồn cười không chịu được. San nghĩ, tay Phương này hôm nay rảnh rang, đem cả chuyện chết chóc ra đùa.
San nhận một vở kịch cho nhà văn hoá huyện để đi dựa liên hoan văn hoá quần chúng toàn thành. Chị đã bỏ nhiều sô diễn ở thành phố. Không hiểu vì sao mình làm vậy. Có thể vì trả cái nghĩa ngày xưa, từ nơi này chị đi lên hoặc có thể chị muốn thay đổi không khí. Vì vậy mà chị bỏ cả máy di động ở lại nhà.
San và đoàn diễn viên đã diễn đến đoạn kết. San làm việc cật lực, giọng khàn đi. Chị không có trong tay những diễn viên nổi tiếng, hiểu nghề, điều đó làm cho công việc của chị càng khó khăn hơn. Nhưng họ truyền cho chị sự hứng thú từ cách diễn chân chất, mộc mạc, từ sự lăn xả bất chấp nhọc nhằn. Nhìn họ, chị thấy mình mười năm trước, đầy đam mê, khát vọng nhưng khờ dại, ngây thơ.
Mười năm trước, San gặp Phương cũng ở đây. Phưuơng nổi tiếng và tấp tểnh làm đạo diễn. San gọi Phương là thầy. San nguỡng mộ Phương thiếu điều chiêm bao cũng thấy. Con người Phương hết thảy đều phiêu lãng, phong trần. Tóc dày lấp loáng bạc, hơi dài, mái tóc vuốt ngược ra đằng sau. Thành ra đám tóc đó không có chỗ bám vào đâu được, nó nằm bồng bềnh. Mắt Phương sâu róm (San tin rằng người nuôi tóc dài, móng tay dài sẽ yêu một tình yêu lâu dài). Miệng Phương cười khinh bạc. Nón quay ngược ra đằng sau. San hồi đó hay cười, hay líu lô. Hồn hậu, trẻ con. San trầm trồ :
- Làm nghệ sĩ nổi tiếng chắc sướng lắm hen, thầy ?
Phương cười :
- Không, họ tội nghiệp lắm, à không – Phương đính chính – có một vài người tội nghiệp, như tôi.
San cười khì, “em không tin, thầy sướng thấy mồ”. Phương bảo khi nào San trở thành người nổi tiếng, San sẽ tin. Có lẽ, Phương là người đầu tiên nhìn thấy tài năng nghệ thuật tiềm ẩn trong San. Ba năm sau, San khẳng định mình trên sân khấu thành phố.
Rồi y như lời của Phương, San bắt đầu thấy tội nghiệp mình. San sống rất mệt vì không phân biệt nổi đâu là sàn diễn, đâu là cuộc đời. San thương Phương nhiều, nhiều lắm. Phương thì lúc nóng, lúc lạnh, lúc xa, lúc gần. Âu yếm nhau trên sân khấu, bước xuống hậu trường Phương than mà giọng chao chát nghe khẽ như hơi thở : “Ước gì tôi nắm được tay em !”. San chìa tay ra, cười, thì có ai cấm đâu. Phương nhăn mặt : “Tôi mà chạm vào người em, thế nào tôi cũng lạc lòng”. San cười mà nghe xót xót, như chừng Phương khao khát yêu mà không dám yêu, khao khát sống mà không dám sống. Phương trả lời phỏng vấn báo Sân khấu rằng : “Tôi thèm hạnh phúc nhưng không cho phép mình hạnh phúc. Một tâm hồn đầy đủ sẽ không thể diễn được một tâm tư giằng xé. Vì nghệ thuật, tôi hi sinh cả cuộc đời mình.” San biết rằng đó là lời anh dành cho San. Nó cực đoan một chút. Có nhiều người hạnh phúc nhưng diễn vẫn rất hay. Nhưng diễn như ma ám, như điên, như say như Phương thì chưa một người nào làm được. Ở bất cứ vai diễn nào, anh cũng diễn bằng dằng xé, sự khao khát bị kìm nén. San vẫn còn nhớ tháng hai năm chín mốt, sân khấu thành phố dựng vở “Đèn không hắt bóng”, khi xua đuổi người yêu – San, viên bác sĩ cao ngạo, tội nghiệp của Phương đã lặng người quay đi, rơi nước mắt. Giới phê bình đánh giá khoảng khắc xuất thần đó của Phương bằng hai từ “quái kiệt”. Lâu lâu, linh cảm hỏi San, có phải những giọt nước mắt ngày xưa ấy phải chăng dành cho mình.

San bắt đầu tập quên có Phương trong cuộc đời. Đó là lúc tự dưng San thấy mình kiệt sức. Cứ chịu đựng một vài lần như San đi rồi biết. Diễn xong, Phương rủ San đi ăn cháo gà, San rối rít tẩy son phấn, ùa ra cửa. Phương đã về rồi. Phuơng hẹn lại nhà San chơi, San thắp đèn ngoài cửa ánh ỏi chờ cả ngày, Phương không tới. Gọi tìm Phương, Phương hỏi : “Ủa, tôi có hứa sao ?”. Từ Phương, San rút ra kinh nghiệm, thay vì phải ngồi nghĩ ngợi điên cả đầu, lời nào thật lời nào giả, tách bạch rõ ràng ra, mệt lắm, thôi thì đừng tin nhiều, hi vọng nhiều đỡ thấy thất vọng, mất mát.
San sống riết vậy rồi quen. Không tâm huyết, kỳ vọng vào cái gì, không mơ mộng xa vời, không rút ruột ra tin ai. San thấy mình không vịn vào ai để sống và cũng không sống vì ai. San sắm được cái vẻ lạnh lùng, khinh ngạo. Không còn nghe đau xót khi ngửi thấy mùi rượu, mùi thuốc lá phả ra nồng nàn từ Phương, không buồn khi Phương cà rỡn, âu yếm với cô gái khác, không nhớ khi một tuần chẳng gặp nhau. Thực lòng, chị nghĩ, Phương vẫn còn đó chớ mất mát đi đâu. Chỉ có lần, tim San thót lên nhói một cái khi thấy Phương ôm một nam diễn viên trong bóng tối. Ánh đèn sân khấu đã tắt. Có lẽ Phương thấy cô đơn lắm. Thuơng chút đó rồi thôi. Khi quên mất tiêu con San ngày xưa, về đây chị bỗng gặp lại mình.
Buổi tập sáng San cho diễn viên nghỉ sớm, bụng San hơi cồn cào, San đổ thừa tại mình đói. Giờ nghỉ trưa, San không ngủ được, bồn chồn chờ tới đầu giờ chiều. Chị muốn lao vào việc ngay để quên một chuyện mơ hồ nào đó.

San lại có điện thoại.
San nhấm nhẳn nghĩ trong lòng : “Đâu có bao nhiêu người biết mình ở đây?”. Nhấc máy, giọng Ngạn : “San ơi, đang ở đâu vậy?”. San cười : “Gọi tới đây rồi mà không biết à ?- San lấy giọng nghiêm túc – Mình đang ở ngoài vùng phủ sóng”. Giọng Ngạn hơi run rẩy : “San à, Phương chết rồi.” San cười ngằn ngặt : “Ừ”. “Thiệt mà”. “Ừ”. “San về ngay nghen”. San dập máy.
Xuống sàn tập, San dựng cảnh cuối của vở. Trúc, cô diễn viên đóng chính đang cố khóc để diễn cảnh cô con gái hư hỏng thương tiếc người cha vừa qua đời. San không nói khái niệm, định nghĩa gì hết, chị bảo :
- Em phải xuống nước mắt thật mềm, không có loại nước mắt nào dịu mềm như nước mắt chảy ra từ lòng hối hận.
Trúc khóc lại lần thứ hai thì San lại có điện thoại. Bên kia máy là Mai, người gọi có khác nhưng nội dung không khác. Mai bảo, Phương chết rồi. San vẫn ừ hữ nhưng đã thôi cười. Vì bực mà thôi cười.
San nói, bữa nay là ngày gì vậy nè. Đám học trò diễn ồ lên : “Bữa nay là ngày Cá tháng Tư, người ta được quyền nói dóc thoải mái mà chị.” San bật cười. Xem lại ngày hiển thị trên mặt đồng hồ, ngày Một tháng Tư. Cha mẹ ơi !
Ngày này, năm ngoái, cũng đám Ngạn, Mai bảo Phương chết. San thiếu điều lộn ngược ruột gan chạy lại nhà Phương, nhìn thấy Phương đsang săn sắn ngồi Karaoke, San tức không há miệng nói được tiếng nào. Phương nhìn San lâu lắm : “Tôi vẫn còn trong trái tim em?”. San bật cười, gờn gợn hỏi lại mình câu ấy. Nhìn Phương cười cười, chắc Phương lại nói chơi.Bởi vì, San và Phương ai mà lại không diễn một vai trong cuộc đời này.
Nhớ chuyện năm ngoái, San đinh ninh năm nay mình không bị lừa nữa đâu. Nhưng chỉ lát sau, San lại có điện thoại. Lại cồng cộc chạy lên hai mươi bốn bậc thang, San nói trước : “Đừng giỡn nữa mà”. Nhưng bên kia là đạo diễn Lưu. San giật mình hỏi lại : “Có chuyện gì không thầy?”. Thầy Lưu bảo, Phương chết rồi. San biết thầy không bao giờ đùa. San đứng sững trong phòng nhà văn hóa. Một nhân viên trong phòng gọi San rất to, San tuyệt vọng đẩy cửa, nhưng cánh cửa vẫn im lìm. Có tiếng người nhắc, hãy kéo cửa về phía sau. San chen ra.
Trúc dắt xe máy đưa San ra cổng. Trúc dặn San phải thiệt cẩn thận, đường đây về thành phố thì xa, đây trở ra ngã tư là quốc lộ, xe cộ nhiều ghê lắm. San chạy đến ngã tư. Chị không biết ngã nào về thành phố. Chỉ chống chân xuống đường giữ cho chiếc xe thăng bằng. Một nỗi lo gì đó chợt ứ đầy trong chị, muốn khóc mà không khóc được. Bao nhiêu nước mắt đã dành cho nhưng vai diễn, cho công chúng hết rồi, chị không còn giọt nào cho mình. Chị hiểu rằng vậy là vai diễn cuộc đời mình vừa hoàn tất. Bình sinh, không lúc nào chị hít thở, chị hoá thân mà trong chị không có một tình yêu năm cũ, không có Phương. Nó chìm lặng giữa muôn ngàn nỗi đau, nỗi thương tổn yêu thương chẳng được đền đáp bởi yêu thương. Lòng chị dửng dưng bởi Phương bao giờ cũng ở đó. Nhưng bây giờ Phương mất rồi, mất thật rồi. Sẽ không còn được nhìn thấy Phương phong trần, mệt mỏi, không nhìn thấy Phương cười, nghe Phương nói … Sẽ không còn được Phương ôm trong vòng tay dù chỉ là vai diễn. Chị nhấn ga cho xe vọt lên và nấc nhọc nhằn. Đã có nước mắt. Chị thấy trước mắt mình nhoà đi, kiệt sức, chị gục xuống giữa đường. Con đương Trúc dặn, xe cộ nhiều ghê lắm.

Ở nhà Phương, bọn Ngạn, Mai, Lưu đã tụ lại rất đông, họ đang chờ đoạn cao điểm nhất của một ngày vui. Nhà Phương dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng lại. Không còn vỏ bia lon lổn nhổn, tàn thuốc lá bết vào bàn chân. Phương ngồi trên băng đá trước nhà, chỗ này khi San về, anh sẽ thấy San trước tiên khi chị vòng qua nhà ông già dân phố ở góc đường rẽ vào đây. Anh sẽ tặng một bó hồng đẹp nhất cho San và nói với San rằng, mười năm qua anh hi sinh San cho nghệ thuật là một điều không công bằng, rất không công bằng. Bởi San là tất cả cuộc sống của anh. Lẽ ra anh không nên đùa như thế nhưng trò đùa này có ý nghĩa làm sao, rằng một người đã sống lại vì tình yêu một người.

Nhưng San đã không bao giờ về nữa.
Hôm ấy là ngày một tháng tư. Ngày này, người đời hay đùa lắm.
NGUYỄN NGỌC TƯ

Hoa sứ trắng

Hoa sứ trắng

Truyện ngắn của Trần Thuỳ Mai

Tôi là cô giáo, còn Stéphano là... học sinh. Một học sinh vừa lười vừa bướng bỉnh, có đôi mắt sâu thẳm màu xanh nước biển. Lần đầu đến dạy, tôi bỡ ngỡ vì đôi mắt ấy luôn toả ra thứ ánh sáng mơ mộng như thường thấy trên khuôn mặt những nam thần trong tranh thời Phục Hưng.

Ngôi biệt thự mà Nguyệt Cầm, bạn tôi, cho Stéphano thuê là một ngôi nhà kiểu xưa, trước hoa viên có một pho tượng thiếu nữ Huế nặn rất vụng về. Cầm không nói được tiếng Pháp, nó nhờ tôi giải thích với Stéphano: "Ngày xưa, ông nội Cầm yêu một tiểu thư hoa khôi kinh thành. Không lấy được cô ấy, ông tự tay nặn pho tượng này để suốt đời tưởng nhớ". Một pho tượng tầm thường, nhờ một sự tích nhỏ, bỗng đẹp lên, bí ẩn và quyến rũ. Stéphano bảo: "Với người đời nay, chẳng có gì có thể là suốt đời. Những chữ ấy đã thuộc về cổ tích". Về sau, mỗi lần đến dạy học, tôi thường tránh qua lối đi bên phải. "Tại sao?" - Stéphano HỎI. TÔI NGẬP NGỪNG: "PHO TƯỢNG ĐÃ ĐỨNG ĐÓ QUÁ LÂU. Ở PHƯƠNG §ÔNG, NGƯỜI TA tin những vật vô tri sau thời gian lâu dài sẽ trở nên có linh hồn. Tôi cứ thấy cô ấy nhìn theo tôi".

Ngôi nhà cổ xưa được trang bị bên trong với đủ tiện nghi hiện đại, nhưng Stéphano không thích giam mình trong phòng. Nguyệt Cầm bảo tôi: "Ba cô giáo đến rồi mà đều chào thua". Thế mà tôi đã dạy Stéphano hơn năm trời. Cầm tròn mắt lên khi nghe Stéphano nói những câu tiếng Việt khá rõ ràng: "Chào cô. Cô có khoẻ không? Hôm nay là ngày rằm. Cô có đi lên chùa?". Bí quyết dạy học của tôi khá đơn giản: Biến những buổi học thành những cuộc đi dạo ngoài trời. Stéphano hào hứng bảo: "Như Như à, NGƯỜI TA THƯỜNG BẢO NẾU MỘT NGƯỜI Ý KHÔNG PHẢI LÀ NGHỆ SĨ THÌ SẼ LÀ MỘT NHÀ ĐI BIỂN. CÓ lẽ tôi thuộc nhóm sau, luôn luôn thích phiêu lưu". Tôi nói với anh rằng tôi đã biết máu viễn du của dân tộc anh từ khi còn là một cô bé, qua câu chuyện truyền kỳ về Máccô Pôlô, con người đã chọc thủng bức màn bí ẩn ngăn cách phương Tây và phương Ðông vào thế kỷ mười ba. "Này Như Như, trước đây tôi cứ tưởng Máccô chỉ đơn giản đi tìm sự giàu có. Còn giờ đây tôi tin là anh ta đã bị sự huyền ảo của phương Ðông thu hút".
- Thế nhưng cuối cùng ông ấy cũng rời Trung Hoa, trên một con thuyền.
- Như Như, ông ấy thật hạnh phúc, đã ra đi cùng một nàng công chúa.

Tôi mỉm cười vì sự gian lận của Stéphano. Thực ra, nàng công chúa không phải dành cho Máccô vì ông chỉ được đưa nàng đến xứ Tibet, nơi nàng sẽ trở thành hoàng hậu. "Chàng Máccô của chúng tôi thật ngốc - Stéphano liếc nhìn tôi rất ý nhị - nếu tôi cùng nàng đi chung một con thuyền, tôi chẳng bao giờ chịu đưa nàng vào tay kẻ khác". Tôi đỏ mặt, vì lúc ấy Stéphano đang cùng tôi ngồi trên một con thuyền ngược sông Hương...

KHÔNG AI NGỜ MỘT NGƯỜI Ý MỚI HỌC TIẾNG VIỆT VÀ MỘT NGƯỜI VIỆT KHÔNG BIẾT TIẾNG Ý có thể nói với nhau vô vàn chuyện trên thế gian như thế. Tiếng Pháp với tôi cũng như với Stéphano, đều là ngoại ngữ. Trên cây cầu vay mượn ấy, chúng tôi đã đi với nhau một chặng thật dài... Lúc ấy tôi vẫn chưa nhận ra, một chặng đường ấy có thể dài bằng cả cuộc đời.

Chiều thứ bảy, nghỉ dạy học, nghĩa là nghỉ dạo chơi. Tôi đến gặp các bạn gái tôi ở câu lạc bộ khiêu vũ nữ. Ðã có nhiều lần Stéphano ghé qua đây tìm tôi, anh ngạc nhiên thấy từng đôi nữ ôm nhau nhảy Tango: "Có phải đây là một tụ điểm của người đồng tính luyến ái nữ?". Tôi nín cười giải thích rằng không phải thế, ở thành phố này, đấy là một sinh hoạt giải trí được xem là thanh khiết. Hôm ấy, tôi đi slow với Ngọc Sương. Sương nói thầm: "Mi điên sao? Cặp kè với thằng Tây đó cả năm trời, thiên hạ đều biết. Sau này hắn sổng về Tây, mi khó mà kiếm chồng được ở cái thành phố ni". Tôi ngẩn người. Sương hơn tôi ba tuổi, người đầy đặn sung mãn, nước da ngăm ngăm hồng, là vợ một viên chức có cỡ trong tỉnh. Tính Sương dịu dàng, ít nói nhưng lời nói như kim châm huyệt. Nguyệt Cầm thì bô bô: "Bà còn solo nhưng bọn này có chồng. Mấy ông chồng mà thấy Stéphano lui tới thì bọn này hết chỗ vui chơi. Mà hôm nay không học, sao hắn cũng theo Như tới đây?" Tôi sực nhớ ra, chẳng biết từ lúc nào Stéphano đã tự giành lấy cái nhiệm vụ đưa đón và che chở tôi. Có lần, cha tôi đã nói bóng gió khi ngồi trong hiên nhà nhìn ra vườn, tay cầm quạt chỉ vào cái am nhỏ nhất, thấp nhất trong số bốn cái am thờ bốn bà cô đời trước. "Ðó là am cô Sáu, đi lấy chồng được một hôm thì nhà chồng cho gánh con heo luộc cắt tai qua làm lễ nhị hỉ. Cha và anh phải sang tạ tội lãnh con về. Bà chết già, không lấy được ai nữa. Cái am thờ bà vì thế phải xây nhỏ hơn, thấp hơn am của những bà cô đồng trinh". Heo nhị hỉ bị cắt tai nghĩa là cô dâu không còn trinh tiết khi về nhà chồng. Tôi cười bảo ba: "Ba yên tâm đi, ông Stéphano rất đứng đắn với con".

Thực ra Stéphano nhiều lần bảo tôi "Trong yêu đương chẳng có gì là không đứng đắn". Nhưng tôi sợ. Nỗi sợ nằm trong bản năng tự vệ của nữ giới.

Ðêm rằm tháng tư, ngồi trên thuyền, tôi thả xuống sông chiếc đèn hoa màu xanh lục. Stéphano bảo: "Em có thấy màu xanh lục trên sông thật lạnh và buồn không? Tôi sẽ làm cho nó ấm lên". Anh thả một chiếc đèn màu đỏ, hai chiếc đèn hoa tựa vào nhau trôi trên sông đêm. Stéphano cầm tay tôi lên hôn, rồi anh ôm chặt tôi vì thấy tôi run và sắp khóc. "Stéphano, bao giờ anh đi?". "Tháng tám. Như Như, tôi không muốn đi một mình. Em hãy trả lời tôi đi!".

Quẻ xăm tôi xin được ở chùa Ba Ðồn là quẻ xăm tốt. Stéphano rất thích xem tôi xin xăm, anh bảo khuôn mặt tôi với đôi mắt nhắm nghiền đầy vẻ sùng tín thanh khiết. Lời quẻ là một câu thơ, khá trong trẻo nên không cần dịch ra, Stéphano cũng hiểu. "Trời xanh trăng tỏ rạng, soi sáng việc đêm khuya". "Thế nghĩa là thế nào? - Stéphano hỏi - Tại sao khi mình đang cần lời chỉ dẫn, mà thần thánh lại không chịu nói rõ hơn?". Vị sư già giải thích rằng lời quẻ thế này là rất rõ ràng: Trời quang mây tạnh là điềm lành, đêm lẽ ra tối mà lại sáng là vận may, trăng tròn không có mây che là ý nói sự mãn nguyện. Rút được quẻ này, thí chủ mong gì trong lòng cũng thành. Stéphano cung kính chào từ biệt, khi ra đến cổng chùa anh ghé tai tôi: "Dù cho quẻ có không tốt thì anh cũng bắt Như xin lui xin tới cho đến khi nó tốt". Tôi bật cười... Chiều hôm ấy, rất hạnh phúc, tôi nhận lời cầu hôn của nhà đi biển.

Ðó là lần cuối cùng tôi đi xin xăm, bởi chẳng bao lâu tôi nhận ra chính vì sự bí ẩn trong lời thơ mà bất luận giải thích thế nào, các quẻ xăm luôn luôn đúng. Rằm tháng sáu, Nguyệt Cầm rủ tôi đi mua hoa. Tôi phân vân giữa chợ muôn màu: Rằm tháng tư tôi đã cắm hoa sen cho Stéphano, rằm tháng năm hoa hoàng anh lấm tấm vàng. Giờ tôi muốn tìm một thứ hoa khác của mùa hè nhiệt đới. Như sực nhớ ra, Cầm đưa cho tôi một miếng giấy thơm quấn đầy những sợi tóc đen dài. "Sáng nay do người làm dọn phòng, thấy tóc mi vương đầy gối Stéphano, ta phải nhanh tay thu lấy. Tụi người làm nhiều chuyện lắm, đừng để chúng biết". Tôi tái mặt, bàng hoàng một lúc mới ấp úng: "Oan thị Kính. Tao chưa hề bước chân vào phòng Stéphano".

Ðêm, trăng sáng in hình những cành sứ khẳng khiu chờn vờn trên lối đi trong vườn. Tôi hái hoa bằng dao, mủ sứ ròng ròng nhỏ xuống như sữa. Trắng muốt và thơm ngọt ngào, những bông sứ ngậm sương hơi khép lại. Cha tôi lo lắng thấy tôi mặc áo dài. "Tối rồi, con đi đâu? Ði đêm mặc áo trắng không nên, con ạ". Nhà Stéphano vắng lặng không ai. Lần đầu tiên tôi đến ngồi dưới chân pho tượng mà không còn thấy sợ. Cô gái và tôi nhìn NHAU. TÔI RUN RẨY, DƯỜNG NHƯ CÔ GÁI NÀY BIẾT VỀ STÉPHANO NHIỀU HƠN TÔI. ÁNH MẮT CÔ BÉ SÁNG NỖI lo âu ma quái, khi bên tai tôi, vẳng tiếng xe chậm lại, tiếng cánh cổng sắt rít lên, chính anh đang trở về giữa khuya...

Người đàn bà mặc áo đen, trăng xuyên qua tấm khăn voan mỏng cho tôi thấy những đường nét thanh tú quen thuộc. Hai chúng tôi nhìn nhau. Trăng sáng loá giữa trời - có phải ánh trăng trong quẻ xăm bí ẩn? Tôi loá mắt. Trăng trên áo tôi, trên những bông sứ đang thơm ngát, trên những vũng sương trắng trong vườn. Những màu trắng với phản quang chói rực. Tôi nhắm mắt, mụ mẫm, chỉ kịp lẩm bẩm khi cảm thấy Stéphano đang chạy đến bên mình: "Stéphano, em đem cho anh hoa sứ trắng". Những bông hoa rơi thật dịu quanh mình tôi khi tôi ngã xuống trong vũng trăng...

Tháng chín năm ấy, tôi lánh mình trong nhà như người ẩn tu. Cầm đến thăm, bảo tôi thật ngốc khi để Stéphano ra đi mà không bắt hắn làm đám cưới. Tôi đắn đo mãi mới nói: "Những sợi tóc trên gối Stéphano không phải của tao. Tao đã gặp người đàn bà đó". Cầm ngớ người: "Ai thế?". Tôi ngậm miệng. Tháng sau, khi chồng Ngọc Sương đột ngột lên ĐƯỜNG ĐI TU NGHIỆP Ở Ý MỘT NĂM, BỘ ÓC SẮC SẢO CỦA CẦM MỚI BẮT ĐẦU HOẠT động, nó vặn vẹo hỏi tôi đủ điều. "Mệt quá Cầm ơi, để cho nước trôi qua cầu đi. Mi tò mò như một con ma tỉnh lẻ".

RẰM THÁNG TƯ NĂM SAU, CHỒNG NGỌC SƯƠNG TỪ Ý VỀ, LÂU LẮM MỚI ĐẾN THĂM, nhằm lúc hai vợ chồng đứng giữa ngôi nhà đang đập ra xây lại. Chừng như hàm ơn sự im lặng của tôi, Sương kéo ra một góc, thủ thỉ: "Những lần mình đến ngôi nhà đó chỉ có nghĩa như một sự cảm ơn. Lẽ ra Như không nên thế, với đàn ông cần phải biết tha thứ". Tôi lắc đầu, thực ra tôi không bao giờ nghĩ rằng Stéphano có lỗi. Chỉ có điều tôi nhận ra, Stéphano là một nhà đi biển thực thụ. Mối tình này với anh là cuộc viễn du vào một miền văn hoá lạ, trong khi với tôi nó giống bầu trời của người hành hương lên núi cao, một là có tất cả, hai là bóng đêm và vực thẳm. Ðấy cũng là lúc tôi hiểu rằng dù sống trên một xứ sở có bờ biển rất dài, tôi vẫn mang tập tính của cư dân vùng núi. Trước khi ra đi, Stéphano bảo: "Sao em không lấy tôi làm con thuyền?". Tôi nhìn anh lần cuối, qua nước mắt, vẫn còn nhận được nơi đôi mắt xanh thẳm kia, chính chàng cuối cùng cũng nhận ra sự cưỡng lại đầy vô thức của tôi.

Sự cưỡng lại để không tan hoà trong biển của chàng, biển mà tôi yêu.

Chàng Máccô của tôi từ khi ra đi không gửi thư từ gì. Chồng Ngọc Sương bảo anh ta đã có dịp đến thăm nhà ông Stéphano, một căn nhà xinh xắn ở ngoại ô, có pho tượng nhỏ trên bãi cỏ xanh. Khi hỏi đấy là tượng của ai, ông Stéphano bảo: "Ðấy là ký ức của tôi về một nàng công chúa. Tôi thường không tin tưởng ở mấy chữ "suốt đời", tuy nhiên, bao lâu còn có thể, pho tượng này sẽ nhắc tôi nhớ về những giấc mơ và niềm ân hận mà tôi để lại ở phương Ðông".

Người lạ vừa đến

NGƯỜI LẠ VỪA ĐẾN

Thùng thư ở phía bên kia đường. Theo thời gian, lớp sơn vàng đậm phủ lớp này sang lớp khác, khiến đường nét sắc sảo của cái thùng thư cổ dần lu mờ. Một sự tính toán thông minh nào đó khiến người ta trồng cạnh đó một cột đèn đường, lại đặt thêm một băng ghế lượn sóng dành cho việc chờ xe buýt. Những chiều muộn, từ cổng trường đại học nhìn sang, cái thùng thư trông như bóng người đứng trong vùng sáng phẳng lặng của ngọn đèn. Thi thoảng, anh bưu điện tới, loay hoay mở khoá vét vài cái thư rồi bỏ đi. Cái ghế xem ra hữu dụng hơn, nhiều người tìm nó để ngồi, dù đón xe buýt hay không. Hạo và Minh cũng hay hẹn nhau ở trạm chờ xe. Chàng trai vẻ ngoài rất đẹp nhưng giản dị và cô gái gầy gò để kiểu tóc người da đỏ ngồi hai đầu ghế, nói với nhau mấy câu vu vơ về việc học, và cười. Nhưng thường, họ im lặng, cùng nhìn xa xăm vào những con đường toả đi khắp nơi cho đên khi cô gái leo lên chuyến xe cuối ngày. Hạo còn một mình. Không phải sự bỏ rơi nhưng cảm giác vắng vẻ đôi khi khiến anh bồn chồn. Anh quay sang cố nhìn mãi thùng thư cổ quen thuộc mà xa lạ. Giá như anh có thể gửi đi một lá thư rồi chờ đợi điều gì sẽ đến.
Mưa lất phất. Những người vừa ra khỏi cổng trường nhảy lên xe phóng đi vội vã. Minh cầm cái ô như một mảnh trời nhỏ màu xanh băng vội qua đường, nơi Hạo đang đợi. Ánh mắt họ gặp nhau từ xa. Sự giao cảm ấm áp, dịu dàng… Thảng hoặc Hạo hỏi vì sao Minh đồng ý hẹn hò với anh, một anh chàng nhà tận tỉnh xa, nghèo, học ngành thiết kế cũng chẳng mấy tiếng tăm trong khi cô là dân thành phố chính hiệu, quen biết rộng, lại sắp sửa lấy hai bằng ĐH Ngoại ngữ ? Vài người đầu óc đơn giản bảo hẳn rằng cô gái ưa vẻ ngoài đặc biệt của anh : lãng tử, hiền dịu và trông bơ vơ thế nào. Minh thuộc rất ít các cô gái không để ý gì sất những điều thuộc về bên ngoài.
Ngay từ lần gặp nhau đầu tiên, trong hội thảo về lĩnh vực đồ hoạ hiện đại ở một cao ốc, anh lập tức bị người phiên dịch đẩy vào trạng thái lơ lửng. Cô gái để kiểu tóc kỳ quặc, đôi mắt to màu xám tro, giọng nói bình thản hơi đứng lùi phía sau diễn giả. Cô dịch chính xác và khúc triết. Tuy nhiên giữa những khoảng dừng, cô ta nhìn đâu đâu xuống khán phòng nơi Hạo ngồi thu mình với nỗi lo ngại bị phát hiện không có giấy mời. Một khoảng khắc nào đó, anh cảm giác cô ấy thoáng mỉm cười với anh. Sau buổi hội thảo, Hạo loay hoay chờ dưới cổng tòa nhà, đoán chừng sẽ thấy cô thêm một lần nữa. Trái với những gì anhdự đoán, Minh không quá khó bắt chuyện. Cô trả lời mấy câu hỏi vấp váp của anh một cách nhã nhặn và hiền dịu. Cô đi bộ. Đó là lý do duy nhất khiến Hạo vững tin đề nghị đưa cô về. Sau này, anh vẫn thầm cảm ơn cô đã không cười phá lên lúc ngồi lên cái yên xe han gỉ. Anh lớn hơn cô một tuổi. Cô am hiểu nhiều hơn anh. Khi anh hỏi : “ Thi thoảng, anh qua trường chở em nhé ?”, cô nói giản dị : “ Thế cũng được !”. Từ ngày thành người lớn, hiếm khi anh hạnh phúc đến vậy.
….Hạo vẫn không ngừng nhìn Minh ngay cả lúc cô đã ngồi cạnh bên anh. Những hạt nước nhỏ dính lên mái tóc và vai áo bắt đầu thấm vào cô, ấm áp, toả mùi thơm mát cuối xuân. Trời không còn sáng nhưng cũng chưa tối. Ánh sáng tím thẫm ánh lên giữa vô số những hạt mưa mảnh khảnh. Mặt đường nhựa ẩm ướt loang loáng bóng người đi vội vã ngược chiều. Túi áo khoác Minh in hằn hình dáng một bức thư. Cô rút ra, xoay trở chiếc phong bì màu xanh nhạt trong những ngón tay mềm, lưỡng lự. Hạo băn khoăn :
- Em sắp gửi thư đi đâu đó ư ?
- Vâng, nhưng chắc cũng chẳng mấy quan trọng…
- Dù sao em cũng nên gửi đi. Chúng ta đã ngồi cạnh thùng thư kia đã lâu, nhưng chưa bao giờ có cơ hội nhờ vả nó cả. - Hạo mỉm cười.
Cô gái gật đầu, hơi rùng mình đưa anh bức thư chưa dán. Hạo đọc lướt mảnh giấy đánh máy. Đó là tờ đơn đăng ký cuộc thi trình diễn tiểu phẩm tiếng Anh. Cô nói về nó như một sự tình cờ. Thoạt đầu anh cũng chú ý bởi những hứa hẹn phần thưởng hậu hĩnh - tiền, chuyến du lịch và nhất là một chỗ làm ở cái văn phòng ngoại quốc tổ chức cuộc thi. Tuy nhiên, sau đó màu sắc mơ hồ lại phủ lên các dự định chớp nhoáng. Suy cho cùng, Hạo chẳng biết kỹ thuật biểu diễn ngoài vài lần bị bắt buộc chạy cờ cho tiết mục của khoa. Tiếng Anh của anh cũng tồi tệ vậy thôi - chỉ ở mức đọc hiểu làng nhàng, có khi nghe ai phun trong điện thoại vài câu còn tối tăm mặt mũi… Thế mà bây giờ, anh đang đọc lá đơn dự thi của chính mình, do Minh viết. Lá đơn nhẹ nhàng trở lại tay Minh. Cô nhấm ướt mép phong bì bằng đầu lưỡi hồng hồng, dán lại.
- Em gửi nó đi đây ! – Minh nói khẽ
- Nhưng anh không biết nói tiếng Anh. Anh sợ đám đông tới phát sốt, đừng nói đến chuyện đi lại trên sân khấu hay diễn xuất ! - Hạo thốt lên
- Anh sẽ làm được thôi, không quá ghê gớm như anh nghĩ đâu. Cho đến khi kết thúc, không ai nói được người nào là kẻ thất bại. - Giọng nói của Minh lành lạnh, hệt như khi cô phiên dịch cho trong các môi trường xa cách. – Em ngờ ngợ công ty J> mất công tổ chức cuộc thi để tìm ra những nguời như anh.
Minh cầm ô bước đến gần thùng thư vàng. Con tem vuông trên góc thư như một con mắt mở to lo âu và hi vọng trước khi mất hút vào trong khoảng tối. Cơn mưa nhỏ sắp vãn. Ngọn đèn đường hắt lên cho dù mới có 6h. Ánh đèn vàng thoạt nhiên hơi co lại, rồi từ từ lan toả, hắt thứ ánh sáng xanh êm dịu của nó xuống nóc ô xanh, vào những tia nước mưa yếu ớt dần. Vài người đi đường ngoái lại nhìn sững khoảng khắc gương mặt cô gái tóc da đỏ chìm trong màu xanh kỳ dị của cái ô, và nụ cười của cô ta với chàng trai đẹp đẽ đang ngồi trên ghế kia, cũng kỳ lạ nốt.
Xe buýt chuyến cuối ngày đỗ xịch đến. Minh nhảy lên, thò đầu qua ô cửa nói to : “ Thế nhé !”. Hạo vẫy tay nhẹ. Trạng thái mất đi sự bình ổn đã xâm chiếm anh. Minh khác. Cô luôn nhìn thấy trong các cơ hội, dù nhỏ nhặt, niềm hi vọng thay đổi. Anh gắn bó với cô vì thế. Giống như con tàu to lớn đang vất vả tin ngọn hải đăng, nó có thể chao đảo nhưng tự biết sẽ sống sót một khi thấy đốm sáng nhỏ báo hiệu trên bờ.
Cuối tháng tư ấy Hạo bắt đầu trở thành một người nổi tiếng. Anh không giành hạng đầu tỏng cuộc thi thể hiện tiểu phẩm bằng tiếng Anh, nhưng các chuyên viên quảng cáocủa công ty J. nhìn thấy ở anh một gương mặt và vóc dáng lý tưởng để thể hiện mẫu người trẻ hiện đại đang trên đường thành đạt. Nhờ 50 ngày Minh tập trung biến anh trở thành một kẻ khác. Cô luyện phát âm cho anh – cách nói năng của những ngưòi thành thị thưọng lưu lẫn giọng chuẩn của dân doanh nghiệp. Cô đề nghị những lúc một mình, anh vẫn phải ngồi cứng vai, ánh nhìn thẳng và sâu vào mắt một kẻ vô hình trước mặt. “ Không ai biết tường tận trong ta. Thế nên không việc gì anh phải phơi bày sự thiếu tự tin của anh cả. Anh hãy tin là anh có thể. Và anh sẽ hoàn tất bất kể vai trò nào…” Cô thường vừa cười vừa nói như vậy trong các buổi tập tiểu phẩm tại căn phòng trọ ngột ngạt của Hạo. Cô chọn cho anh trích đoạn trong một vở kịch của H.Miler. Một vai diễn kỳ quặc - Hạo nghĩ. Anh chỉ việc mặc một bộ vest đen, mang ra sân khấu một cái ghế, ngồi vắt chân và than thở bằng một giọng nói thì thào, sau đó thì đứng dậy bước vòng quanh cái ghế, hét tướng lên về một nỗi chán ngán nào đó. Nhiều lúc anh cảm thấy mình lố bịch và muốn bỏ cuộc. Nhưng Minh tỏ vẻ ngạc nhiên về cảm giác ấy nơi anh. Cô nói anh đã làm rất tốt. Cứ như thế, cô gái gầy gò đẩy anh đi, như đẩy một con thưyền to lớn trống trải xuống mí nước.
Hình ảnh Hạo xuất hiện trong quảng cáo. Có ảnh thì Hạo cầm điện thoại di động - thứ mà anh cũng chưa biết cách sử dụng. Ảnh khác thì ngồi sau chiếc bàn lớn, mỉm cười với đối tác và ký văn bản với cây bút ngòi vàng anh cầm thờ ơ trên tay mà có lẽ phải đi dạy đồ hoạ ban đêm vài tháng anh mới có thể mua được. Chung quanh mau chóng nghĩ về Hạo theo hình ảnh anh tạo ra. Nhiều người xa lạ mỉm cười với anh ngoài phố. Một số khác ngạc nhiên đến độ cười vang lên khi thấy anh chạy cái xe cũ kỹ. Không thấy phiền, Hạo chỉ thấy tò mò với ấn tượng bên ngoài mà anh tạo ra. Tiền kiếm được từ những buổi chụp hình hay đóng phim quảng cáo không nhiều, nhung đủ để anh mua thêm vài bộ trang phục mới hợp thời và đưa Minh đến những quán lịch sự, nơi trước kia anh chỉ nghĩ về chúng với chuỗi hình dung lơ mơ. Ở đó ngưòi ta cũng nhận ra anh nhiều hơn. Một vài tiếng xì xào cố ý nhận xét người đi cùng với anh thật tầm thường. Hạo dần nhận ra người đời nhìn nhận sự việc bằng lớp vỏ hào nhoáng bề ngoài. Khi anh nói điều ấy, Minh nhìn sâu vào mắt anh, theo đúng cách cô buộc anh phải làm để gột bỏ sự thiếu tự tin cố hữu :
- Anh “phán xét” cuộc sống sắc nhọn hơn trước rất nhiều. Ít nhất, va chạm bên ngoài, trong các môi trường cạnh tranh cũng làm anh thay đổi.
- Em không khó chịu khi cái “ môi trường cạnh tranh ” ấy đầy những đánh giá ngu ngốc về bản thân em ư ? - Hạo cầm tay Minh, bàn tay mềm và lạnh.
- Chỉ xảy ra khi em đi với anh thôi. Tức là em tạo cơ hội cho người ta so sánh – cô gái hơi so vai – Nhưng rốt cuộc, nó chứng tỏ cố gắng của chúng ta thành công.
Một cảm giác khó chịu len lỏi trong Hạo. Ở một khía cạnh nào đấy, anh hài lòng với hình ảnh bên ngoài mới mẻ của mình. Nhưng sâu thẳm, anh căm ghét nó. Nó không là anh. Nó thuộc về một tham vọng thầm kín và xuẩn ngốc mà sau khi ra đời, anh không thể nào kiểm soát nó trọn vẹn. Hạo nói to, bực bội :
- Ta sẽ không đến những quán này nữa, thế thôi !
Đôi mắt rộng của Minh đột nhiên tối sầm, như người ta đóng lại những cánh cửa . Cô nở nụ cười nhợt nhạt :
- Phải như thế ư ? Em và anh đâu cần bắt sự việc quay về chỗ cũ. Cứ sống theo những gì chúng ta có thể chạm tới. Như thế khôn ngoan hơn…
Hạo im lặng. Những buổi chiều sau đó anh trở lại đón Minh trước cổng trường đại học. Sắp hết mùa xuân rồi. Những vòm cây bên kia đường thôi xanh non, màu lá sẫm và mùi thơm nồng của mùa hè, sắp đến gần. Những cơn mưa lâu hơn, to hơn. Trời muộn tối. Ánh sáng tỉnh táo khiến những câu chuyện trên băng ghế trạm chờ xe buýt trở nên rời rạc. Dần dần, Hạo thưa đến chờ Minh. Anh bận rộn những buổi quay phim mới. Công ty J. ngỏ lời mời anh về làm PR sau khi tốt nghiệp. Hạo kiếm nhiều tiền, đổi xe, thuê một căn hộ chung cư mới. Hình ảnh của anh trên những phương tiện truyền thông sát với những gì anh có. Chừng mọi việc đã lăn theo con đường Minh dự định. Thế nhưng vẫn có điều gì đó thật chuệch choạc mà Hạo không thể gọi tên. Khuya, đứng bên cửa sổ nhìn thấy vô số xe buýt chạy về các con đường xa xăm, anh thầm cảm giác không nắm giữ nổi một điều gì quan trọng đang bỏ mình trôi đi.

Nhân viên bưu điện mở thùng thư vàng vào buổi chiều. Không có lá thư nào. Anh ta bỏ đi. Hạo gạt chống xe, ngồi xuống băng ghế sóng quen thuộc. Một chiếc xe buýt băng qua, nguời lơ xe đập thùng ầm ầm. Minh hiện ra từ cổng trường. Theo thói quen, Minh nhìn sang bên đường. Đôi mắt to màu tro đặt lên anh chăm chăm. Rồi cô rảo bước nhanh hơn
- Anh lại đến đón em sao ? - Giọng Minh không giấu vẻ mừng vui
- Hơn hai tuần rồi em không gọi điện cho anh . - Hạo nhắc
Đột nhiên gương mặt Minh lại như khép kín. Hạo nhận ra tay Minh đang cầm một phong bì xanh. Chừng như cô muốn nói thật nhiều. Nhưng cô chỉ thở dài nhè nhẹ :
- Em đang định gửi cho anh một bức thư đây. Thế mà tình cờ anh lại đến. Trước sau cũng đến ngày ta không hẹn hò gì nữa. Em đã muốn anh thay đổi. Nhưng khi anh thay đổi, em lại không thể làm quen con người mới nơi anh. Nhưng đành vậy, sống mà…
Họ nhìn lá thư nhẹ tênh trên những ngón tay Minh run rẩy. Mưa. Cô gái mở cái ô nhỏ, bước đến cái thùng thư vàng cũ xưa. Một cái xe buýt khác lại đến. Cô bước lên xe, ngoái nhìn Hạo : “ Cứ thế, anh nhé …”

Chỉ một lần thôi

CHỈ MỘT LẦN THÔI

Cuối xuân, bắt đầu hết đợt lạnh, tôi đang ở năm thứ ba. Một chương trình học bổng toàn phần đưa tôi tới đất nước nửa năm chìm trong tuyết. Khi những đường phố và cây cối bong ra lớp vỏ trắng xoá, để lộ cái lõi ướt át và chưa hết giá rét bên trong, là lúc tôi cảm thấy cô độc hơn bao giờ hết. Tưởng như mọi thứ ánh sáng, bầu trời, những hồ nước trong thành phố vẫn còn chưa hẳn chia tay với cái màu trắng đơn điệu của chuỗi ngày thiếu vắng mặt trời. Mọi ngưòi ở trường đại học mua báo, giữ lại trang quảng cáo, lùng tìm một công việc làm thêm trong đợt nghỉ dài. Các năm truớc đó, giống như họ, tôi hào hứng lao vào vô số công việc kiếm ra tiền. Nhưng chính vào cái mùa xuân kỳ lạ ấy, thôi thúc trong tôi cái ý định trở về nhà. Rút tiền tiết kiệm đặt mua vé máy bay, thu xếp va li, tôi gọi điện thoại cho Wang, bạn cùng lớp và là người yêu của tôi, cho biết kế hoạch về nước đột xuất. Cô thảng thốt khi nghĩ tới một tháng nghỉ học không được gặp nhau. Tôi thoáng chạnh lòng. Cũng như tôi, Wang đến từ Châu Á. Cô hơi yếu ớt, dễ xúc động. Tuy nhiên, cô mau chóng chia sẻ nguyên cớ tôi muốn trở về thành phố quê nhà. “ Khi anh quay lại, cây trong thành phố đã đầy màu xanh. Mặt trời sẽ chiếu vào khu học xá mỗi buổi sáng chúng ta thức dậy…”- Wang thì thầm khi chúng tôi chia tay ở sân bay. Đôi môi cô mềm, lạnh và run nhẹ như đôi cánh chuồn chuồn đậu trên trán tôi. “ Anh sẽ trở lại với em. Không quá lâu đâu !” – Tôi buông nhanh những ngón tay cô. Đêm trải dài như đôi cánh chim ưng. Trên chuyến bay xuyên qua bóng tối, tôi chìm vào giấc ngủ thư thái, ngọt ngào của một người suốt ba năm học tập và làm việc cật lực giờ đây được trở về nhà.

**
Thành phố thơm nồng mùi hương cây trái. Ra khỏi máy bay, tôi như bị ghì mạnh bởi cánh tay của bầu không khí nhiệt đới. Mưa lất phất. Những chiếc taxi đón những vị khách đến muộn trong đêm, đèn bật sáng cắt bóng tối thành vô số khối vuông lăn trên mặt đường thẫm xanh. Chiếc xe cuối cùng trờ đến, tấp vào chỗ tôi đứng. Nắp sau cốp xe bật mở. Khi sắp sửa đặt chiếc va li duy nhất của mình, tôi bỗng phát hiện sát ngay cạnh mình một người hành động tương tự. Một chú nhóc gầy gò, đeo kính, mái tóc vàng nâu lấp lánh nước – lúc đó tôi chỉ kịp nhìn thấy thế. Tôi định lấy hành lý của mình ra, đợi xe sau. Nhưng người lạ làm động tác ngăn lại. “ Chúng ta đi cùng xe vậy. Có lẽ nhà tôi gần hơn, trên đường vào trung tâm thành phố. Tôi sẽ trả tiền đoạn đường của mình. OK? ” – Tôi thương lượng nhanh với người lạ, vào ngồi ghế bên cạnh tài xế. Nhưng tôi nhầm. Cậu nhóc đeo kính xuống trước tôi. Cậu ở không xa sân bay, nằm trên con đường yên tĩnh với những ngôi nhà phía sau các bức tường gạch phủ đầy hoa leo. Cho đến khi khuất sau cánh cổng lớn, cậu ta vẫn không nói lời nào. “ Có những đứa trẻ như vậy đấy - Người lái xe càu nhàu – chúng được nuông chiều, thừa tiền bạc và chỉ hành xử theo ý mình !” Tôi chuyển ra băng ghế sau. Đêm yên ả. Mùi hương ngọt ngào của những vườn cây trái vô hình bám vào từng phân tử không khí. Không nên phàn nàn trách móc ở tối kỳ diệu như thế này… Giai điệu của bản nhạc cũ “If you go away” vang lên mơ hồ. Chuông điện thoại. Chiếc mobile xám bạc của ai đó bỏ quên mắc kẹt giữa lưng ghế. Tôi lưỡng lự, rồi nhặt máy bấm trả lời. “ Anh đang cầm máy của tôi - Giọng trầm vẳng đến tựa hơi thở nhẹ - Tôi muốn chuộc lại nó !” “ Ai đấy ?” - trước giọng nói lạ lùng, tôi đã đặt một câu hỏi ngớ ngẩn. Tiếng cười khẽ : “ Là tôi ! Cô gái cùng anh đón chung một chuyến taxi…” Cậu nhóc đeo kính ấy lại là một cô gái! Không thể ngờ nổi. “ Hãy gọi lại sau ! Chúng ta hẹn gặp đâu đó !” – Tôi bực bội. Doanh Minh – tên chủ máy hiện nhanh trên màn hình xanh rồi biến mất vào khoảng tối. Tôi mở kính xe, nhìn cảnh vật thân quen của những con đường, dòng sông, những vòm cây không bao giờ quên xanh tươi. Chợt một khoảng khắc, tôi nhận ra mình đang lẩm nhẩm cái tên xa lạ. Tại sao cô gái bộ dạng kỳ quặc với tên gọi kỳ quặc không kém ấy lại xuất hiện vào ngày không quên ấy ?
Những cơn mưa dày đặc. Vài bạn cũ ghé thăm, tán gẫu về đất nước nửa năm chìm trong tuyết. Một cậu tìm thấy ảnh Wang kẹp trong tờ tạp chí Thiết kế: “ Bạn gái của cậu đây sao ? ” Tôi gật đầu, với chút kiêu hãnh. Đó là một trong loạt hình chụp Wang cho bài tập nhiếp ảnh tôi rất thích. Cô gái có đôi mắt dài, ánh tím sẫm buồn rầu, như đứng tình cờ nơi vỉa hè lát gạch cổ xưa. “Đẹp quá !” Các cậu bạn trầm trồ. Tôi hào hứng thổ lộ : “ Một ngày nào đó, tớ sẽ phóng to bức ảnh này và treo trên khoảng tường rộng…”
Quán Gỗ , nơi cô nhỏ hẹn tôi đến khá đặc biệt. Những chiếc ghế vải trắng và mặt bàn xanh da trời. Guơng mặt của vài ngôi sao quá khứ từ trên tường lặng lẽ nhìn xuống các thực khách. Chỗ của giới sang trọng. Tôi lấy một tờ báo nước ngoài, đọc, không thoải mái. Người lái taxi đêm ấy nói đúng. Những đứa trẻ giàu có và bướng bỉnh luôn muốn xoay chuyển mọi thứ theo ý riêng mình. Như một vệt gió mạnh, chủ nhân chiếc mobile xám bạc lướt qua lối đi hẹp, xuất hiện thình lình trước mặt tôi. Dáng vẻ một chú nhóc mảnh khảnh tô đậm ấn tượng về sự tươi tắn, sinh động. Ngồi lọt thỏm trong ghế, hơi ngoẹo cổ, nụ cuời toả sáng sau kính gọng xanh, cô nhóc liến láu hỏi tôi chờ có lâu không. Tôi lắc đầu. Cuống quýt như thiếu thời gian, cô gọi cốc nước đen ngòm và gói thuốc lá nhẹ. Những ngón tay cô sạch bóng ửng hồng. Bàn tay của người không cầm thuốc bao giờ. Đột nhiên, tôi thấy buồn cười và nhẹ nhõm. “ Anh sẽ khâm phục. Vì em ăn rất nhiều !” Doanh Minh le lưỡi, quyết định đặt thêm bữa sáng. Câu chuyện mở ra khá dễ dàng. 17 tuổi, chuẩn bị thi đại học, cô sống khá tự do vì là con một. “ Tuần trước em bị bố tát do nhuộm tóc. Nhưng bố cũng nhuộm. Chỉ khác màu thôi !” Cô nhóc cười rạng rỡ. Chén gọn hai miếng bánh mì to và uống một hơi cạn cốc nước đen ngòm, cô bắt đầu bóc gói thuốc.
- Em có biết thở khói thành những đồng xu không ? – Tôi hỏi
- Anh biết sao ?
- Tôi không bao giờ hút thuốc . – tôi nói thật
Một ánh thảng thốt lướt qua mắt cô gái nhỏ. Thả rơi gói thuốc trên bàn, cô hỏi chệch sang chuyện khác :
- Em phải trả bao nhiêu tiền để lấy lại điện thoại ?
- Không một đồng nào cả. Em chỉ cần tự thanh toán phần ăn. Anh đã trả tiền chai nước suối của mình. – Tôi đưa chiếc mobile đắt tiền cho cô, kéo ghế đứng dậy. Cuộc gặp đến đây là đủ. Tôi hỏi thêm : Em sẽ làm gì với gói thuốc lá vô dụng khi chưa từng hút thuốc bao giờ ?
Chỏm tóc ngắn ánh hổ phách rung nhẹ. Đôi môi mím chặt. Mau chóng, giọng trầm đặc biệt của cô nhóc tan biến âm sắc tươi vui :
- Em muốn anh nghĩ em chững chạc.. Nhưng anh không tức giận chứ ? Vẫn đồng ý chúng ta giữ liên lạc chứ ?
- Cũng được ! – Tôi đọc số điện thoại cho cô nhóc ghi lại. Dù sao tôi cũng chẳng ở thành phố lâu. Kinh nghiệm của chàng trai 22 tuổi cho tôi biết đừng bao giờ nói “ không ” với một cô nhóc. Một cô nhóc được quá nhiều thứ bảo vệ khỏi nỗi âu lo, phiền muộn, hay những ước vọng sẽ không thể hoàn tất trong đời.
Doanh Minh bước vào đợt nghỉ của tôi theo những cách mà dường như chỉ có cô mới tìm ra. Ban mai, buổi trưa, và lúc đã vào giường, tôi đều có thể giật mình vì những cú điện thoại đột ngột. Các hồi chuông điện thoại cô nhỏ gọi đến cũng khác thường, vội vã như sắp lịm đi. Doanh Minh không sâu sắc, không am tường một lĩnh vực nào. Cô nhóc cũng chẳng có khiếu hài hước hay châm biếm sâu cay. Thế nhưng không có gì cả có thể là một điều vô cùng sắc nhọn. Thi thoảng, tại một ngóc ngách bí hiểm trong thành phố, cô gọi nhờ tôi đưa về, hoặc chỉ muốn tôi tới cùng ăn một vài món ăn lạ mới khám phá. Một lần tôi dập máy, chán ngán các cú điện thoại phiền toái. Nửa đêm, người nhà dồn dập gọi cửa, cho biết hình như xảy ra tai nạn. Tôi chộp ống nghe, lạnh toát. Vẳng tiếng cười Doanh Minh tinh quái !
- Em điên à ? – Tôi thở hắt
- Không.
- Em đừng ngu ngốc như vậy !- Tôi hét vào ống nghe.
- Anh đừng tìm cách không trả lời điện thoại - Giọng nói bướng bỉnh
- Chúng ta đâu liên quan đến nhau – Tôi muốn phát điên
- Sai rồi ! – Cô nhóc lại khẽ cười
Tôi cắt máy. Để an toàn, tôi tháo phích cắm khỏi điện thoại. Nhưng giấc ngủ không đến với tôi nữa. Tôi tìm bức ảnh Wang. Đôi mắt cô nhìn tôi như dò hỏi, hơi phảng buồn rầu.
Những ngày sau đó, tôi nhảy xe bus đến chỗ người bạn, cùng thực hiện vài thiết kế nội thất. Có một lúc, nhìn qua ô cửa sổ vuông, tôi chợt nhận thấy dưới vỉa hè bóng dáng quen. Doanh Minh. Cô nhóc ngồi trên chiếc xe scooter vàng, kiên nhẫn và lặng lẽ. Tôi kéo rèm cửa sổ quay về công việc. Chiều muộn, khi tôi đã quên bẵng, thanh thản về, cô nhóc vẫn chỗ cũ. Băng qua xe cộ dày đặc trên đường, cô lao về phía tôi, hét ầm lên : “ Chúng ta cùng đi ăn nhé ! Em đói quá vì chờ anh hơn 3 tiếng đồng hồ. ” “ Em không có gì tốt hơn để làm sao ? ” – Tôi hỏi, không che giấu lạnh nhạt. Cô nhóc sững lại trong vài giây : “ Em rất sợ anh biến mất …” Tôi đành buông xuôi : “ Thôi được. Anh sẽ đi cùng em. Nhưng đây là lần cuối !” Cho đến giờ, tôi vẫn không thể mô tả chính xác nụ cười Doanh Minh. Nụ cười bừng lên từ bên trong, khiến khuôn mặt bé nhỏ ương bướng, đột nhiên toả sáng, tựa món đồ chơi pha lê màu nhiệm.
Tôi điều khiển chiếc Scooter. Cô nhóc quần rộng, áo ngắn ngồi sau, cách quãng xa. Tuy nhiên, một lúc, cằm cô đã gác nhẹ lên vai tôi. “Đừng có như vậy !” – Tôi nhắc. Không có trả lời. Rồi một cánh tay vịn nhẹ ngang lưng tôi. Tôi im lặng. Xe rẽ về phía dòng sông gần khu trung tâm. Những vườn cây trái thơm tho toả hương lan theo mặt nước biếc xanh. Mùi khói xăng váng vất trong thành phố. Va hưong vị cá nướng của những quán ăn rải rác vỉa hè. Cô nhóc đối diện mắt sáng, môi đỏ, tươi tắn như niềm hi vọng, không biết đến sự chối từ, các vấp ngã cuộc đời. Doanh Minh đặt ra vô số thắc mắc về cuộc sống học hành của tôi ở cái xứ sở đầy tuyết. Tôi trả lời từng câu hỏi nhảy cóc, mỉm cười. Có một lúc, khi vẽ ra quang cảnh sân học xá mùa đông, tôi chợt nhắc về Wang.
- Wang là ai ? - Những ngọn đèn chiếu trong mắt cô nhóc chao đảo.
- Đầu tiên là bạn học. Sau đó trở thành người yêu. – Tôi trả lời dễ dàng. Cuối cùng đã có dịp cho tôi nói thật.
- Cô ta đẹp chứ ? – Cung giọng trầm đẹp đẽ bỗng khản đặc.
- Đẹp. Theo mắt của anh . – Tôi đáp thành thật.
- Tức là cô ta rất tốt. – Cô nhóc thì thầm.
- Bọn anh luôn ở bên nhau. Em biết đấy, điều đó rất đáng giá với một người rời xa quê nhà, đương đầu bao nhiêu khó khăn.
- Ở bên nhau cả buổi tối sao ?
Dưới mái tóc con trai lấp lánh vàng nâu, gương mặt bé nhỏ tái nhợt khi tôi khẽ gật đầu. Nhưng cô nhóc uống cạn cốc nước, đứng dậy, bước theo tôi ra chỗ để xe. Tôi đưa cô về nhà. Ngồi phía sau, cô nhóc dựa hẳn vào tôi, co ro và nóng rực như một con mèo ốm hoảng sợ bị bỏ rơi. Bỗng tôi nhận ra tôi thương cô biết bao.
Cạnh giàn dây leo cạnh cổng nhà, tôi chia tay Doanh Minh. “Đầu tuần sau anh bay. Chào nhé ! Hẳn phải rất lâu mới có thể gặp lại !” Đôi mắt cô nhóc như hai mẩu than cháy lên trong bóng tối : “ Em sẽ bay sang gặp anh. Một dịp gần nhất !” Giọng cô nhóc tìm lại vẻ tự tin và can đảm, dù còn yếu ớt. Tôi bật cười. “ Em sẽ làm được.- Cô bỗng xoay người,hôn mạnh lên môi tôi, rồi nói hối hả - Em đã tìm ra anh giữa đám đông. Phải, chính là em lên chiếc xe ấy, cố tình đánh rơi điện thoại trong xe, để ta còn gặp lại… ” Sự thật thốt ra giữa những lời rối loạn đó khiến tôi chẳng kịp biết nụ hôn vụng về, chân thật một cách mạnh mẽ của cô nhóc sẽ là điều lạ lùng tôi không bao giờ còn gặp lại trong đời.

**
Tôi trở lại trường đại học. Bầu trời sạch sẽ, ấm áp, thoang thoảng mùi nhựa cây. Mưa nhẹ. Cây cối và những bãi đất rộng khoác vào tấm áo xanh tươi mới. Thê mà giữa khung cảnh yên ả ấy, tôi bỗng thấy mình lạc lõng kỳ lạ. Vì một sự bí ẩn nào đó, tô không còn là con người cũ. Wang và tôi bên nhau. Những bí ẩn kia cứ lẩn quất bên tôi. “ Có bức tường giữa anh và em. Chuyện gì xảy ra vậy ?” – Wang hỏi. Tôi không thể giải thích xác đáng. Nhưng thảng hoặc, tôi bắt gặp mình đang lùng kiếm trong đám đông đôi mắt kính xanh, hay dáng chạy vội của một cô nhóc chưa hòan toàn lớn. Có lần, vô cùng lạ lùng, tôi ngồi vẽ bài tập thiết kế trong đêm, bất giác vẳng lên bài nhạc xưa cũ của Frank Sinatra, If you go away. Tôi nhìn qua cửa sổ. Một ai đó đứng cạnh gốc cây dưới sân học xã. “ Em sẽ bay sang gặp anh . Một dịp gần nhất…” Lời hứa mơ hồ. Chạy băng qua những hành lang trống, tôi xuống sân. Nhugn không ai cả. Trong lồng ngực tôi, một cơn thắt đau đến nghẹt thở. Tôi đứng im, lặng lẽ khóc, lần duy nhất. Cuối năm học ấy, tôi và Wang chia tay. Cô mỉm cuời dịu dàng, nói rằng tôi rất tốt. Nhưng tôi đã làm tổn thương cô.
Tôi không gặp lại Doanh Minh, vì sao, vì sao, vì sao, tôi không thể biết. Sau 5 năm học, tôi trở về nước, làm thuê một thời gian, rồi lập công ty riêng. Đã lâu, mà cô nhóc lạ lùng vẫn ở lại trong tôi. Đôi khi trên bức tường rỗng, gương mặt cô như hiện ra, dò hỏi, ngoẹo đầu cười… Câu chuyện tôi chỉ có vậy. Tôi có rất nhiều cơ hội gặp gỡ quen biết. Các cô gái trẻ giờ đây rất đông nhuộm tóc vàng nâu, dùng mobi. Cuộc sống thoải mái dễ dàng hơn. Nhưng lần duy nhất, cái cơ hội vô tư đẹp đẽ đã tuột mất. Khi tôi nhận ra chiếc hôn dưới vòm cây mùa hè.

ĐẮC QUÝ