Cha con người hát rong - 3

CHA CON CON NGƯỜI HÁT RONG

VÕ THỊ XUÂN HÀ (tiếp)

''Ta tiếc xưa yêu cuồng si
người nỡ quay mặt đi.:.


(Bài hát Mộng đẹp lứa đôi)

5. Chị Sen vô tù. Cha con tui không hát Mộng đẹp lứa đôi nữa. Ba tui chọn bài Thương về miền Trung để tập thật nhuyễn. Cả nước dạo này thích nghe ca sĩ Quang Linh hát Thương về miền Trung. Giọng của anh ăn nước sông Hương nên nghe thật đằm, thật kỳ lạ. Cha tui hát còn hay hơn. Hơn nữa, ai người hát rong, ai người nghệ sĩ, trời đã định trước. Trách chi bàn tay có ngón cái như đầu rắn của chị Sen in hằn lên cổ bé Hàn Giao, in suốt thiên thu, không thể xóa, không thể biện minh.
Tui khản cổ gào. Đã bao lâu lồi không về miền Trung thăm người em.
Ba tui đang ở Huế. Vậy mà tui hát những câu này, ba gật gù như thương nhớ xa xăm một người. Mạ đứng trước mặt tui, cười buồn nhìn ba con tui đi bước một. Mạ đẹp hơn tấm ảnh để lại nhiều. Khi ba tui trầm mình hát Em ơi chờ anh về, dù cho mưa nắng xóa nhòa thương nhớ, mạ dường như không chịu nổi thứ âm thanh níu kéo của cõi dương nên đưa hai tay lên che đôi tai. Tui nhìn thấy mạ đeo đôi khuyên tai thiệt đẹp, nó lóng lánh như trăm ngàn ánh trăng tạc vào.
Tui chìa cái túi da. Xoạt. Xoạt. Từng tiếng một, tiếng rơi của những đồng tiền bố thí. Tiếng rơi của tờ một trăm nhỏ thật tội nghiệp. Nó khẽ khàng đậu xuống mép túi, nằm im khiêm tốn. Chủ nhân của nó là những cô bé cậu bé bớt tiền ăn quà chia sớt, những ngưòi bán hàng rong hoặc những bà già mặt nhăn nheo vì thương nhớ. .
Có cả đồng một trăm nhỏ của một cậu bé đánh giày. Tui kêu cậu bé vì nó cũng kêu tui là cô bé, mặc dù tui đã thành người lớn rồi. Tui thành người lớn từ hai năm trước.
Hôm đó vào buổi chiều xế. Hoàng hôn đang khoác tấm áo van màu tím.
Huế mù sương. Cầu Trường Tiền mù sương.
Tiếng sông chảy khẽ khàng. Gió lướt qua cũng khẽ khàng như sợ làm phai đi cái màu tím pha sương của quê tui vào thời khắc này. Tui lội xuống sông giặt quần áo. Từng đàn cá lượn theo sau như có lột bữa tiệc linh đình ở thủy cung. Tui ngạc nhiên quay nhìn chúng. Tui lội xa hơn, một lúc chúng lại xúm xít phía sau. Rồi tui nhìn thấy một màu hồng đỏ loang trong nước. Tui lại lội sang chỗ khác, cái màu hồng đỏ ấy vẫn loang trong nước, chui từ trong người tui chui ra. Tui trầm mình sâu xuống nước để lột cái quần lót ra. Dưới ánh hoàng hôn, cái đũng quấn lót của tui dinh dính màu hồng đỏ.
Tui hoảng sợ. Nhưng tui cũng đủ khôn để hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Nếu mạ còn sống, tui sẽ chạy ào về nhà. Không có mạ, tui tự nghĩ ra cách của riêng mình. Tui cho lũ cá mặc sức bám theo sau cho tới khi giặt xong. Tui chui vô bụi cây mọi khi vẫn làm chỗ thay quần áo, xé cái khăn mặt cũ làm khăn lót. Tui nhìn trời nhìn đất, khẽ mỉm cười. Tui thành người lớn rồi. Vậy mà hai năm sau thằng Đình đánh giày vẫn kêu tui bằng con bé.
Nhưng cũng có những tờ một trăm nhỏ thật hách dịch. Nó nhảy vô túi, khinh bỉ nhìn chủ nhân của chiếc túi, khạc nhổ bừa bãi, dang chân đang tay mà nhìn đồ hát rong mạt hạng, trên đời này có biết bao nhiêu nghề không chọn, lại chọn trò đờn ca, thà cứ ngả mũ xin ăn chừng còn khả dĩ hơn, thật chán khi phải nghe thứ giọng đùng đục, ẩm ướt của cha con mi, thí cho mi để cút nhanh đi chỗ khác. Tui thấy mạ đưa tay quệt nước mắt.
Tui đang hát đến đoạn nhớ tiếng hò ngoài Văn Lâu chiều nao, ước hẹn thề duyên nhau dài lâu, xa rồi còn đâu... thì thấy ba cũng đưa tay quệt lên mắt. Không biết ba nhìn thấy mạ hay nghẹn lòng vì đồng một trăm nhỏ kia mà tiếng đàn chùng lại. Tui thản nhiên hát. Một trăm nhỏ tội nghiệp, cháo ăn đêm. Một trăm nhỏ hách dịch, tui gom lại, chờ ngày đẹp vô chợ Đông Ba mua một viên phấn hồ màu hồng phớt. Loại phấn này chỉ có ở Huế. Từ bao đời nay, chỉ người Huế thích dùng, không ra Bắc cũng không vô Nam được. Có cho biếu tặng, người không ở Huế cũng không biết và không thích dùng. Phấn có hai màu, trắng và hồng, được chế theo công thức từ trong cung cấm của những hoàng phi cung phi nhà Nguyễn. Các mệ về đêm trước khi đi ngủ thì dùng phấn này để trang điểm cho vua hài lòng. Phấn làm từ bột thạch cao, người ta đun chảy rồi vớt bọt, luyện với các chất dưỡng. Phấn xoa lên mặt, cổ tay, chân, làm mịn da, tráng da, hồng da, lại làm se chân lông. Các cung phi xưa còn xoa lên ngực, lên đùi tiếc thay cho các nường, tốn bao nhiêu phấn, thức bao nhiêu đêm để chờ đợi bóng rồng. Có người cứ thoa suốt đời như thếmà cũng chỉ ngắm một mình mình trong gương.
Tiếng rơi của đồng một ngàn nặng trịch như thể hiện chủ quyền của chủ nhân nó. Tui nhìn xéo lên, thấy những người đàn ông bảnh bao, những người đàn bà chải chuốt, tâm hồn không ác không hiền, không u buồn, không vui vẻ. Họ cho tui tiền mà có khi không nghe tui hát, mắt nhìn cha con tui đi qua mà lòng nghĩ đến những điều riêng. Hoặc họ đang cười nói hỉ hả, đang hạnh phúc tràn trề. Gương mặt họ bói không ra một sợi nhăn. Họ đang ôm eo nhau dạo trên hè đường Hưng Đạo, Lê Lợi, Huyền Trân Công Chúa... Họ đứng trong các quầy hàng, lòng thầm thì xin thánh hiền phù hộ độ trì cho cửa hàng làm ăn phát đạt, rước khách đến, mời khách vô. Họ thả cho ba con tui một ngàn đồng để cầu phước. Cửa hiệu khá hơn thì cho tui hai ngàn. Tui vái ông bà chủ ba vái, hát trọn bài mới đi khỏi.
Tui nhẩm tính, cho tới hôm nay, cha con tui đã tích được bốn trăm chín mươi mốt ngàn đồng. Tui sắp được ba mua cho gấu bông. Nghĩ đến gấu bông, giọng hát của tui tự nhiên thăng. Ba biểu tui hát rong không được vui quá, vui quá không gợi được lòng thương; cũng không được đúng nhịp quá, đúng nhịp quá dễ bị hòa đồng. Phải não một chút, nhuyễn một chút, rồi thì đùng đục, ẩm ướt, như thúc ép vào tim người, gõ liên hồi kỳ trận, rồi bỗng nhiên chùng xuống thật nhẹ để người nghe không nổi khùng. Vào cái lúc họ bị xao nhãng thần kinh ấy, họ sẽ móc túi moi ra những đổng tiền lẻ. Tui thuộc nằm lòng bài “dạy” của ba. Nhưng đôi lúc chùng xuống hoặc đôi lúc cao hứng. Biết tui cao hứng, ba đành bỏ quá, tay đệm đàn của ba quết ngược cần đàn cho ra thứ nhạc mơ mơ hồ hồ như vọng lên từ cõi âm.
Lúc đó tui thấy mạ mấp máy môi.

6. Tiếng một đồng tiền gì lạ lắm khẽ rơi vào túi. Khẽ khàng nhưng làm chấn động cả cái vương quốc lầm bụi và nhộn nhạo được đánh dấu bằng những con số có ma lực làm đảo lộn cả thế giới. Cái túi da nhỏ của tui chưa bao giờ được đón chào vị khách nào đặc biệt như thế. Sống phải nơi gió táp mưa sa, nó chỉ biết đến những tờ giấy cũ với những con số giản dị. Nhưng tui đã nhìn thấy người đàn ông đã cho ba con tui tiền. Đó là một người chừng bốn mươi tuổi, cao dong dỏng, gương mặt ngăm đen, đôi mắt lặng lẽ không nhìn ai. Ông ta đang ngồi trong cái quán cóc chiêu từng ngụm trà nóng, nhìn đám người qua đường như nhìn đám hình nhân tội nghiệp, nhìn lớp phấn hồng trên má tui như nhìn một bông hoa rớt. Tui hưóng gương mặt về phía ông, nhiệt tình thể hiện lòng biết ơn. Không biết tui có hoa mắt mà nhìn lầm không, nhưng tui thấy mạ đang chỉ tay về phía người đàn ông có ý bảo tui hãy đến gần ông hơn. Nhìn mạ hao gầy, nhưng trong suốt và đẹp như sương như khói, lòng tui đau thắt vì nhớ thương. Tui bật ra những âm thanh mà tự tui cũng không biết mình có thể cất ra được từ những ca từ. Đã bao thu rồi vắng lạnh lòng trai đi ngàn phương. Mỗi, khi xuân về xóa nhòa phồn hoa nơi phố phường. Người hỡi, nếu còn vầng trăng soi dòng Hương, núi Ngự còn thông reo chiều buông, tôi vẫn còn thương. Người ơi… Người đàn ông nheo cặp chân mày nhìn tui như nhìn một người thân lâu ngày gặp lại. Ông gọi ba tui: anh Ba! Ba tui giật mình nhìn người đàn ông. Chừng như ba đã nhận ra người quen, nhưng ba tui là một người hát rong gàn dở, không muốn nhận quen với người sang. Ba không chịu buông cây đàn. Người đàn ông lại gọi
''Anh Ba không nhận ra tui sao? Tui là Minh trống đây''.
Ừa Minh trống hả? Còn sống hả.
"Còn sống chứ sao. Con gái của Ngàn phải không?”.
"Ngàn mất rồi, để cho cô ấy yên”.
"Tui biết tin hồi vượt biển lần thứ ba. Tui nằm liệt luôn trên tàu, quay lui để ném cho Ngàn nắm đất cũng không được nữa''.
Ba tui khựng lại. Tiếng đàn tiếng hát của ba con tui thoắt lặng phắt. Lần đầu tiên từ sau khi mạ mất, tui nghe có người gọi mạ bằng cái tên thời con gái. Tui nhìn quanh để tìm bóng mạ, nhưng mạ lặn đâu mất tiêu. Phải chi..., người đàn ông nói ngang câu đó thì cũng im bặt.
Hai người đàn ông nhìn nhau. Tui nhìn họ.
Rồi thì người đàn ông xưng tên Minh trống nhìn tui như sám hối. Bỗng nhiên ba tui vái dài người đàn ông một vái, rồi kéo tay tui.
“Tui và anh, hai người nay đã ở hai thế giới khác, trước anh đã không cho Ngàn yên, nay hãy để cho cha con tui yên”.
“Thực ra tui biết ơn anh đã ở cùng Ngàn.
"Cám ơn chi!"…
Ba tui kêu mệt bảo hôm nay về nghỉ sớm. Tui lui cui đi theo ba, tay bóp bóp đồng tiền trong túi nhưng không dám mở ra coi. Mi là mười ngàn, năm mươi ngàn hay mi là một trăm ngàn? Dù gì thì tui cũng sắp được mua gấu bông đến nơi rồi…
Tới nhà, ba nằm lăn lên sạp. Tui lo lắng sờ trán ba. Ba biểu để ba yên.
Tui sợ hãi rụt tay lại. Mọi lần ba mệt, chưa khi nào không cần tui đánh gió. Cũng chưa khi nào có nhiều tiền là ba không bới cát lối cái hòm gỗ ra. Mặc dù ba không để ý lắng đến số tiền kiếm được trong ngày, nhưng ba nâng niu từng đồng mà tui đưa để cất vô hòm.
Tui quay vô góc, giở cái túi da để kiểm tiền. Tui không tin vào mắt mình vì trong túi không phải là một tờ chi chi như tui đoán định. Trong túi có tới năm tờ một trăm đô cuộn tròn lại, rồi buộc gọn bằng một sợi chỉ hồng. Tui định la lên với ba. Nhưng chợt nhớ ra câu chuyện khó hiểu giữa hai người đàn ông, có thể ông Minh trống đó ném lầm tiền vô túi ba con tui. Tui tính sẽ đi tìm ông ta để trả lại: Tui lận cuộn tiền vô túi quần. Đến đêm, tui đào một hố cát bí mật giấu tiền xuống. Tui khấn mạ giữ hộ tui chỗ tiền người ta đưa lầm, số tiền lớn quá, tui không dám đem theo trong người.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: