Cha con người hát rong - 1

CHA CON CON NGƯỜI HÁT RONG

VÕ THỊ XUÂN HÀ

''Ta tiếc xưa yêu cuồng si
người nỡ quay mặt đi.:.


(Bài hát Mộng đẹp lứa đôi)

1. Tui tên Kim. Năm ni mười sáu tuổi. Ba tui kêu tui bằng Út. Út không có chị không có em nhưng kêu bằng Út cho đễ nuôi. Hồi ngộ nhỡ có thêm em thì kêu bằng Út lớn, Út nhỏ. Nhưng rồi sau không có ai nữa.
Ba tui tên chi tui không biết. Mọi người vẫn gọi ông là ông Ba hát rong. Kêu ba lại gọi là ông Ba nên có lẽ ông tên là Ba, không có tên khác. Mạ tui chết bệnh năm tui lên hai nên tui khống nhớ mặt mạ lắm. Chỉ loáng thoáng một gương mặt buồn nẫu ruột của con gái Kim Long xứ Huế. Mạ chết rồi coi như xóa tên. Xuống dưới đó ai cần cứ o Ba mà kêu... Đàn bà con gái như tui là thừa tên.
Cha con tui có một túp lều gần bến Vọc ở thượng nguồn sông Hương, một bộ đàn bát đế, đại để một cây ghi ta có gắn pin, năm bảy cái chén và một bộ gõ. Thêm nữa, còn cái túi da đựng những đồng tiền lẻ của khách qua đường chia sớt. Dăm bữa nửa tháng, tui lội xuống bến sông, lộn trái túi vốc nhúm nước chảy từ thượng nguồn chảy đi bụi bẩn trong lòng túi.
Ai không biết chứ tui thì thấy rõ tiền lẻ rất nhiều bụi bám. Mấy sư thầy trên chùa mà không biết chuyện này để thường mở hòm công đức lau chùi trong lòng hòm chosạch sẽ thì bụi sẽ bám vào mắt Đức Phật. Bụi bám vào mắt rồi thì còn nhìn đời tinh tường chi được.
Cha con tui còn có một cái hòm gỗ nhỏ đựng vừa bộ quần áo của bạ, mấy đồ chơi ngày nhỏ của tui, một hộp gỗ con đã có bốn trăm sáu mươi ngàn đồng toàn tiền mười ngàn đỏ, chôn xuống nền đất dưới cái sạp tre làm giường ngủ của ba. Cái hòm gỗ này là ba nhặt được ở dưới bến mùa lụt hàng chục năm trước. Ba biểu đó là một cái hòm gỗ đựng đạn còn thơm nức mùi gỗ thông và mùi đạn. Bấy lâu ba cất đồ quý vào cái bao ni lông, cho bao ni lông vô cái bao cát, rồi vùi xuống đất. Thi thoảng lôi lên, cái bao cát vẫn còn tươi mới. Ở quê tui những bao cát dùng được rất nhiều việc. Những bao cát này ngày xưa tụi lính Mỹ dùng để đựng cát làm lũy hào chắn đạn, chúng rất dai và bền. Tụi trẻ chăn trâu hay con nhà vạn chài thường đi moi ở những nơi có chiến sự năm xưa, rũ sạch cát rồi đem ra chợ. Hàng cà phê giải khát cũng phải mua để bọc đá là đập cho vụn, đỡ tiền điện xay đá. Nhưng bao cát đù có tốt mấy cũng chỉ như một thứ dùng tạm bợ. Từ ngày có cái hòm gỗ, kể như trong nhà có của. Ba giữ bộ quần áo của mạ cẩn thận lắm, ba biểu để khi nào chết còn mang theo để tìm nhau. Tui sợ mạ tui xuống đó không cầm lòng được làm vợ người ta rồi cũng nên. Nhưng ba biểu không có ba, mạ như thân rong rêu trôi qua mười ba bến nước, không bến mô có chốn đậu. Tui nghe người ta thường nói mười hai bến nước chứ không thấy nói lười ba bến nước như ba. Tui hỏi ba cất đồ chơi của tui chi? Bây chừ không còn mấy ai chơi chắt với ô ăn quan nữa. Mấy que tre, một quả bóng lúc xưa ba kết cho tui bằng bông gòn và đất sét, lột đống sỏi trắng nhặt dưới lòng sông bóng nhoáng, ngấn ấy thứ không bằng con gấu bông của nhỏ Lan trong làng. Nhưng ba nhất định cất để sau này. Lại sau này. Ba lúc nào cũng ước mai sau gia đình sum họp. Tui hỏi ba không cho Út đi lấy chồng sao ba? Ba gắt, chuyện ở đời lấy chồng thì cứ lấy, chuyện ngàn đời là chuyện của ngàn đời. Tui biết ba tức tui mà không làng chi được vì tui đi lấy chồng rồi thì ai sẽ đi hát với ba? Nói vậy chứ còn lâu mới tới cái đoạn đời lắc mớ đó. Mà ai sẽ lấy con gái một người hát rong không có chi làm của hồi môn như tui?
Tui mê gấu bông chi lạ, tui nằm mơ thấy lình ôm con gấu mềm mềm trong lòng là ngủ. Rồi con gấu ôm tui như mạ ôm. Mà mạ ôm tui thiệt. Hơi thở của mạ âm ấm, lại lạnh lạnh. Ừa, có khi lúc lạnh là lúc mạ quay sang bên cái sạp để ôm ba. Tui nằm trên cái ghế nan tre, trải tấm mền len mỏng, nhớ mạ đến côi người. Ba biểu khi nào trong hòm cất đủ năm trăm ngàn rồi ba sẽ mua gấu thật to cho tui. Nhưng mua rồi biết cất đâu trong cái căn lều nhỏ xíu của hai cha con? Ngộ nhỡ ban ngày đi vắng lũ trẻ vạn chài qua lại, chỉ cần đẩy cánh cửa liếp là vô lấy được… Thôi… cứ hẵng biết vậy.

2. Ngày mô cũng ra khỏi nhà, bất kể mưa nắng. Tui và ba người đàn và hát đổi nhau. Nhưng ba hát là chính. Vừa hát vừa đệm đàn... Tui chỉ hát khi ba mệt. Giọng của ba dạo này hơi rè. Giọng tui có khá hơn so với năm trước, nhưng không sánh được với giọng hát như mây như gió của ba.
Giọng hát khiến mạ tui bỏ nhà chạy theo ba để rồi sống cuộc đời trần cũng như cuộc đời âm mười ba bến nước. Trên các nẻo đường, ba vừa hát vừa đàn, tui cầm hai đôi chén đánh nhịp lách cách như các nhạc công vẫn đệm cho các nghệ sĩ hát trên thuyền trông những đêm ca Huế trên sông. Khi ba hát Trống cơm, tui đánh nhịp chén hơi bị cứng tay vì bài hát ni là từ ngoài Bắc vô. Rồi ba lại hát Áo lụa Hà Đông. Không hỏi người nghe cũng đoán chừng ba người gốc Bắc kỳ. Buổi trưa cha con tui mua hai ổ mì kẹp ruốc, ngồi dưới gốc cây điệp vàng im lặng ăn. Ba có một chai xị nhỏ giắt bên hông quần, hôm kiếm được kha khá mới dám đưa lên môi nhấp vài ba ngụm. Có rượu vô, ba lăn ra ngủ bất kể chỗ mô, miễn có cỏ sạch sẽ hoặc là dưới bóng một cây điệp.
Thảng hoặc cha con tui cũng vô quán cơm, gọi hai suất cơm có cá bống thệ hoặc tôm rim, tô canh cá hồng nấu với trái thơm. Ăn xong, cha con tui lại sang quán cà phê bên cạnh, ba gọi một tách đen đá, gọi cho tui một ly nước dứa đá. Đó là những ngày đẹp trời ở Huế. Chị Sen người làm công cho quán cà phê Hàng Phượng vén cao mái tóc đen nhánh để chạy bàn. Mồ hôi lấm tấm trên gương mặt màu hồng phấn. Chị chạy bàn cho khách nhưng mắt liếc nhìn ba con tui như móc tim ba tui ra để chơi đồ hàng. Chị Sen người miệt biển Thuận An. Dáng cao, eo lưng gọn tưng, ngực nhô như hai lùm cát vun, Nhưng mắt sắc như dao bổ cau Nam Phố. Ba tui biểu đàn bà con gái như rứa khiến đàn ông thấy sợ. Ba sợ chứ tui thấy khách hàng là đàn ông vô quán đâu có sợ chị Sen. Họ chọc mấy cô gái chạy bàn trong quán, nhất là chị Sen liên hồi kỳ trận khiến tui thấy thương thay cho chị.
Chị Sen hay thưởng cho tui tiền mỗi khi tui hát bài Mộng đẹp lứa đôi. Lúc đó là lúc ba đang liu riu với tách đen đặc sánh, cây đàn đặt trễ nải trên đùi. Tui hát theo yêu cầu của mấy ông khách sài sang bước vô quán. Họ nói giọng nhả nhớt, kêu chán mấy nàng trong quán karaoke với chán mấy cái linga phóng đại âm thanh của họ ra hàng trăng hàng ngàn mảnh, để rồi mọi thứ đều bị ướp lạnh (linga là cái thứ chi mà họ nói đến thì cười rất kỳ khôi). Họ biểu thích nghe một giọng hát thảm vì đói ăn, mà không, một giọng hát lao động. Ừa, thì tôi hát giọng lao động 'Nhớ ngày đó ta say đắm tình, nồng ấm vai kề vai. Ta dệt bao mơ ước thiết tha, đôi trái tim ngất ngây ân tình... '.
Tui hát bo, không cần đệm đàn cũng không cần nhịp chén, vì bài hát đẹp như rứa, buồn như rứa mà đệm chén lách cách mất cả phần ngọt ngào. Giọng của tui vừa được ăn bữa cơn ngon nhưng cái chất giọng hơi rê là của người nghèo khó. Nghe giọng hát ấy không ai không nỡ cho tui ít tiền lẻ. Nhưng chị Sen cho tui còn nhiều hơn họ. Chị giấu chủ, lén ăn cắp ba tách nâu số 5 Trung Nguyên pha cho khách mà không ghi sổ để cho tui một nửa, tức là mười hai ngàn đồng. Vì chị ăn cắp cho tui trước mặt khách nên tui không trả qua trả lại được. Tui đanh chịu mắc nợ trần với chị.
Đợi lúc ba tui không để ý, chị hỏi nhỏ, em cho chị về ở cùng ba được không? Tui ngắc ngứ. Chuyện này nghe ra, khó quá. Cha con tui mắc nợ chi tiền, không nợ tình. Chị nài nỉ, chị biết ba Út không thiết ai ngoài mạ Út, nhưng chị chỉ xin nương nhờ đắp đổi trên cõi dương mà thôi, khi ba thác chị xin trả lại cho mạ. Tui cười, em mười sáu tuổi trên cõi đời, chưa thấy ai nói chuyện mượn chồng. Thôi chị để cho ba Út yên, đàn ông xứ ni thiếu chi người hiền, chị theo ba con Út, khổ cả kiếp người. Chị Sen ngồi thần mặt, nước mắt chảy giọt một xuống vạt áo tím mà Cà phê Hàng Phượng may đồng loạt cho nhân viên chạy bàn. Tui không hiểu ba tui có cái chi mà chị Sen theo, mới ngó qua kể như chị Sen cũng chỉ như con gái ông. Mà chị Sen lại đẹp.
Tui thiệt lòng đâu biết đời có nhiều chuyện khôn lường.
Quán cà phê Hàng Phượng nổi tiếng ở xứ Huế không phải vì chạy theo mốt thời thượng của thanh niên là trưng thương hiệu cà phê Trung Nguyên lên trên nóc. Cái bảng hiệu Hàng Phượng lừng lững, ban đêm nhấp nháy đèn màu, kèm theo hàng chữ cà phê Trung Nguyên chạy dọc ngang ban công tầng ba của quán khiến bất kể ai đang đi xe trên cầu Trường Tiền cũng muốn qua cầu rồi ghé. Nhưng dân xứ Huế còn biết quán có cà phê tự rang xay nổi tiếng từ thời Việt Nam Cộng hòa. Thời đó tụi lính Mỹ hay ghé vô quán chọc ghẹo đàn bà con gái. Nghe đâu còn có một vụ nổ do biệt động thành tổ chức để ám sát một tên chiêu hồi nguy hiểm? Lựu đạn được giấu trong hộp đàn của một người hát rong như cha con tui. Chủ quán là cha đẻ ông chủ hiện thời bị gọi lên đồn cảnh sát khu vực, nghe nói ông tốn khá nhiều tiền để lo lót cho qua, chẳng qua quán Hàng Phượng cũng chỉ là nơi xảy ra vụ án.
Vào thời gian cha con tui hay vô ra quán Hàng Phượng, chủ quán là chú Thanh. Chú Thanh năm ni ba hai tuổi, người cao dong dỏng, gương mặt thanh tú, lông mày rườm rà. Ba tui biểu chỉ tiếc hai dái tai hơi hẹp và mỏng. Cô chủ vợ chú Thanh là con cháu hàng Tôn Nữ. Tên của cô, tui nằm mơ cũng không nghĩ ra nổi: Tôn Nữ Huyền Ngọc Thủy Châu. Cô Thủy Châu thua chú Thanh bốn tuổi, da trắng như trứng gà bóc, mũi dọc dừa, môi hình tim, người nhỏ, dáng yểu điệu thướt tha… Hai bàn tay cô như hai ngó sen ló ra khỏi cánh tay áo lúc mô cũng thả dài mỏng tang. Cô bước đi như làn gió nhẹ. Có đó mà lại không đó. Dân xứ Huế nói cô là hiện thân của bà cung phi thứ hai mươi mốt của vua Minh Mạng, bà cô tổ hàng mười mấy đời của cô. Lẽ ra cô vô học trường Trưng Trắc. Nhưng vì đẹp quá nên ba mạ không cho đi học, đem gả cho con trai thừa kế của Cà phê Hàng Phượng. Trước khi lấy vợ, chú Thanh cũng là tay ga lăng có tiếng trong hàng phố. Chú lại đẹp trai lãng tử nên nhiều cô nữ sinh mê mệt. Khi chú chuẩn bị lấy vợ, một cô con nhà giàu có tiếng vàng to bự ngoài chợ Đông Ba phải gieo mình xuống dòng sông Hương Giang, đoạn cầu Phú Xuân mà người Huế thường gọi cầu Mới. Nghe nói cô đó đang mang cái thai của chú Thanh.
Về làm vợ chú Thanh, cô Tôn Nữ Huyền Ngọc Thủy Châu chỉ còn cái tên là chị Thanh, o Thanh, thím Thanh, mụ Thanh. Hàng ngày người làm trong nhà kêu bà chủ, cô chủ. Sáng ra người làm bưng bún bò tới giường ngủ chăm cho cô ăn. Bún phải đặt riêng ở cái tiệm bún nổi tiếng trước cửa chợ Đông Ba. Cô không ưng ý với ai ngoài chị Sen, cô biểu nom mặt chị mát mẻ. Phải tội bàn tay chị con nhà lao động nên to bự như bắp chuối, hai ngón tay cái hơi phình ra ở phần đầu như cái đầu rắn. Cô chủ nói cho qua chuyện đó với điều kiện chị muốn lấy chồng cũng phải đợi bé Ớt nhà cô tròn mười tuổi, lấy chồng rồi cũng phải làm cho nhà cô tới già. Tui để ý mỗi khi chị bưng nước cho khách, hai bàn tay phải ém bớt mấy cái ngón dưới khay để khỏi phô ra cả bàn tay. May mà khách phần nhiều là đàn ông, không kỹ tính như những bà mệ đi kén vợ cho con trai ở xứ cố đô.
Những ngày mưa than xứ Huế buồn lê thê. Cha con tui mưa cũng đi hát.
Tui cao giọng: Đôi ta sánh vai trong vườn trăng càng hát câu tình yêu. Ân tình kia như trăng sáng soi, ta sẽ thương yêu nhau suốt đời . Mười hai ngàn đồng ăn cắp của vợ chồng Tôn Nữ Huyền Ngọc Thủy Châu, chị Sen dúi vào tay tui, đến lượt tui nước mắt mờ cấn đàn. Tui cầm lòng để tha thiết khúc dang dở. 'Ân tình kia bỗng như khói mờ, ngày tháng xưa nay còn đâu. Bao mộng xưa nay như giấc mơ, ôi giấc mơ tan trong ngỡ ngàn!.
Những đồng tiền lẻ đầy ắp cái túi da. Này Út, chị nói thiệt nghe, chị có thai rồi. Tui trợn tròn mắt. Có thai, chị đùa Út sao? Chị không đùa. Út thương chị, cho chị về ở với ông Ba. Chuyện không thể nói chơi, cái thai trong bụng chị là của ba tui hay của ai, hay chị bị ông thần sông chọc ghẹo? Mà ba tui chỉ đi qua đi lại trước cửa, bất quá ngồi uống hơi lâu trong quán, răng lại làm chị có thai? Chị Sen ôm mặt bần thần. Ba tui không biết chuyện chị Sen có thai, chuyện chị Sen nài nỉ tui cho về ở với ông. Ba tui chỉ hơi ngượng ngùng mỗi khi chị đến gần. Những ngày như vậy, tui thấy ba uống rượu nhiều hơn ngày thường. Đêm về ba lui cui bới cát dưới gầm sạp, lôi cái hòm ra, rồi tần ngần dở bộ quần áo của mạ như muốn dựa hơi.
Mưa vẫn đổ xuống xứ Huế không biết mệt. Thoạt đầu nước ngấm xuống lòng đất cát, rồi kéo phù sa đi. theo sông ra biển. Sau nước mưa kéo đủ mọi thứ theo nó, thậm chí cả mạng người. Nước lụt leo lên tường thành đại nội, làm thối gốc những hàng thông. Những bông sen trắng nở muộn nơi hồ Tịnh Tâm nổi lềnh phềnh… Những du khách muốn nghe ca Huế trên sông đành cầm lòng ngồi nhìn mưa rơi tới thối chí, cầm lòng nghe cha con tui hát Mộng đẹp lứa đôi, Giấc mộng Uyên lương hồ điệp, Áo lụa Hà Đông, Trống cơm...
Những ngày đó chị Sen bị bắt.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: