Ngày đùa

Ảnh lấy từ trang www.photo.com.vn

Một truyện từ rất lâu của Nguyễn Ngọc Tư, trước rất nhiều “Cánh đồng bất tận” –best seller của VHVN 2005

“Hôm ấy là ngày một tháng tư. Ngày này, người đời hay đùa lắm.”

NGÀY ĐÙA

San có điện thoại. Chẳng sung sướng gì khi phải chạy cồng cộc qua hai mươi tư bậc thang lên tầng hai, mở cánh cửa kiếng mới vào được văn phòng Nhà văn hoá Huyện. Giọng bên kia máy hơi đứt quãng, nhừa nhựa :
- San ơi !
San thở cái phào:
- Chuyện gì đó, Phương ?
- Anh nhớ em.
- Ừ.
- Nhớ thiệt. Anh thương em thiệt là thương.
San nhăn mặt:
- Đang tập thoại đoạn kịch nào vậy ? Nói y như thiệt.
San nghe Phương thở ngắn, rồi lặng đi, rồi thở dài :
- San nhớ uống thuốc nghen !
- Trời đất, bệnh gì mà uống ?
- Dặn trước, mai mốt bịnh thì uống. Mai mốt bịnh, anh không dặn nữa.
- Trời đất – San bật cười – Không còn gì nữa em thôi nghen.
- Ừ… thôi. Vĩnh biệt. Anh từ giã em, anh chết. Anh thương em nhiều lắm, thiệt mà, San.

San nhún vai, gác máy. Chị quay ra. Phải mười năm trước, nghe được câu này của Phương, thê nào San cũng cảm động ứa nước mắt luôn cho mà coi. Bây giờ nghe buồn cười không chịu được. San nghĩ, tay Phương này hôm nay rảnh rang, đem cả chuyện chết chóc ra đùa.
San nhận một vở kịch cho nhà văn hoá huyện để đi dựa liên hoan văn hoá quần chúng toàn thành. Chị đã bỏ nhiều sô diễn ở thành phố. Không hiểu vì sao mình làm vậy. Có thể vì trả cái nghĩa ngày xưa, từ nơi này chị đi lên hoặc có thể chị muốn thay đổi không khí. Vì vậy mà chị bỏ cả máy di động ở lại nhà.
San và đoàn diễn viên đã diễn đến đoạn kết. San làm việc cật lực, giọng khàn đi. Chị không có trong tay những diễn viên nổi tiếng, hiểu nghề, điều đó làm cho công việc của chị càng khó khăn hơn. Nhưng họ truyền cho chị sự hứng thú từ cách diễn chân chất, mộc mạc, từ sự lăn xả bất chấp nhọc nhằn. Nhìn họ, chị thấy mình mười năm trước, đầy đam mê, khát vọng nhưng khờ dại, ngây thơ.
Mười năm trước, San gặp Phương cũng ở đây. Phưuơng nổi tiếng và tấp tểnh làm đạo diễn. San gọi Phương là thầy. San nguỡng mộ Phương thiếu điều chiêm bao cũng thấy. Con người Phương hết thảy đều phiêu lãng, phong trần. Tóc dày lấp loáng bạc, hơi dài, mái tóc vuốt ngược ra đằng sau. Thành ra đám tóc đó không có chỗ bám vào đâu được, nó nằm bồng bềnh. Mắt Phương sâu róm (San tin rằng người nuôi tóc dài, móng tay dài sẽ yêu một tình yêu lâu dài). Miệng Phương cười khinh bạc. Nón quay ngược ra đằng sau. San hồi đó hay cười, hay líu lô. Hồn hậu, trẻ con. San trầm trồ :
- Làm nghệ sĩ nổi tiếng chắc sướng lắm hen, thầy ?
Phương cười :
- Không, họ tội nghiệp lắm, à không – Phương đính chính – có một vài người tội nghiệp, như tôi.
San cười khì, “em không tin, thầy sướng thấy mồ”. Phương bảo khi nào San trở thành người nổi tiếng, San sẽ tin. Có lẽ, Phương là người đầu tiên nhìn thấy tài năng nghệ thuật tiềm ẩn trong San. Ba năm sau, San khẳng định mình trên sân khấu thành phố.
Rồi y như lời của Phương, San bắt đầu thấy tội nghiệp mình. San sống rất mệt vì không phân biệt nổi đâu là sàn diễn, đâu là cuộc đời. San thương Phương nhiều, nhiều lắm. Phương thì lúc nóng, lúc lạnh, lúc xa, lúc gần. Âu yếm nhau trên sân khấu, bước xuống hậu trường Phương than mà giọng chao chát nghe khẽ như hơi thở : “Ước gì tôi nắm được tay em !”. San chìa tay ra, cười, thì có ai cấm đâu. Phương nhăn mặt : “Tôi mà chạm vào người em, thế nào tôi cũng lạc lòng”. San cười mà nghe xót xót, như chừng Phương khao khát yêu mà không dám yêu, khao khát sống mà không dám sống. Phương trả lời phỏng vấn báo Sân khấu rằng : “Tôi thèm hạnh phúc nhưng không cho phép mình hạnh phúc. Một tâm hồn đầy đủ sẽ không thể diễn được một tâm tư giằng xé. Vì nghệ thuật, tôi hi sinh cả cuộc đời mình.” San biết rằng đó là lời anh dành cho San. Nó cực đoan một chút. Có nhiều người hạnh phúc nhưng diễn vẫn rất hay. Nhưng diễn như ma ám, như điên, như say như Phương thì chưa một người nào làm được. Ở bất cứ vai diễn nào, anh cũng diễn bằng dằng xé, sự khao khát bị kìm nén. San vẫn còn nhớ tháng hai năm chín mốt, sân khấu thành phố dựng vở “Đèn không hắt bóng”, khi xua đuổi người yêu – San, viên bác sĩ cao ngạo, tội nghiệp của Phương đã lặng người quay đi, rơi nước mắt. Giới phê bình đánh giá khoảng khắc xuất thần đó của Phương bằng hai từ “quái kiệt”. Lâu lâu, linh cảm hỏi San, có phải những giọt nước mắt ngày xưa ấy phải chăng dành cho mình.

San bắt đầu tập quên có Phương trong cuộc đời. Đó là lúc tự dưng San thấy mình kiệt sức. Cứ chịu đựng một vài lần như San đi rồi biết. Diễn xong, Phương rủ San đi ăn cháo gà, San rối rít tẩy son phấn, ùa ra cửa. Phương đã về rồi. Phuơng hẹn lại nhà San chơi, San thắp đèn ngoài cửa ánh ỏi chờ cả ngày, Phương không tới. Gọi tìm Phương, Phương hỏi : “Ủa, tôi có hứa sao ?”. Từ Phương, San rút ra kinh nghiệm, thay vì phải ngồi nghĩ ngợi điên cả đầu, lời nào thật lời nào giả, tách bạch rõ ràng ra, mệt lắm, thôi thì đừng tin nhiều, hi vọng nhiều đỡ thấy thất vọng, mất mát.
San sống riết vậy rồi quen. Không tâm huyết, kỳ vọng vào cái gì, không mơ mộng xa vời, không rút ruột ra tin ai. San thấy mình không vịn vào ai để sống và cũng không sống vì ai. San sắm được cái vẻ lạnh lùng, khinh ngạo. Không còn nghe đau xót khi ngửi thấy mùi rượu, mùi thuốc lá phả ra nồng nàn từ Phương, không buồn khi Phương cà rỡn, âu yếm với cô gái khác, không nhớ khi một tuần chẳng gặp nhau. Thực lòng, chị nghĩ, Phương vẫn còn đó chớ mất mát đi đâu. Chỉ có lần, tim San thót lên nhói một cái khi thấy Phương ôm một nam diễn viên trong bóng tối. Ánh đèn sân khấu đã tắt. Có lẽ Phương thấy cô đơn lắm. Thuơng chút đó rồi thôi. Khi quên mất tiêu con San ngày xưa, về đây chị bỗng gặp lại mình.
Buổi tập sáng San cho diễn viên nghỉ sớm, bụng San hơi cồn cào, San đổ thừa tại mình đói. Giờ nghỉ trưa, San không ngủ được, bồn chồn chờ tới đầu giờ chiều. Chị muốn lao vào việc ngay để quên một chuyện mơ hồ nào đó.

San lại có điện thoại.
San nhấm nhẳn nghĩ trong lòng : “Đâu có bao nhiêu người biết mình ở đây?”. Nhấc máy, giọng Ngạn : “San ơi, đang ở đâu vậy?”. San cười : “Gọi tới đây rồi mà không biết à ?- San lấy giọng nghiêm túc – Mình đang ở ngoài vùng phủ sóng”. Giọng Ngạn hơi run rẩy : “San à, Phương chết rồi.” San cười ngằn ngặt : “Ừ”. “Thiệt mà”. “Ừ”. “San về ngay nghen”. San dập máy.
Xuống sàn tập, San dựng cảnh cuối của vở. Trúc, cô diễn viên đóng chính đang cố khóc để diễn cảnh cô con gái hư hỏng thương tiếc người cha vừa qua đời. San không nói khái niệm, định nghĩa gì hết, chị bảo :
- Em phải xuống nước mắt thật mềm, không có loại nước mắt nào dịu mềm như nước mắt chảy ra từ lòng hối hận.
Trúc khóc lại lần thứ hai thì San lại có điện thoại. Bên kia máy là Mai, người gọi có khác nhưng nội dung không khác. Mai bảo, Phương chết rồi. San vẫn ừ hữ nhưng đã thôi cười. Vì bực mà thôi cười.
San nói, bữa nay là ngày gì vậy nè. Đám học trò diễn ồ lên : “Bữa nay là ngày Cá tháng Tư, người ta được quyền nói dóc thoải mái mà chị.” San bật cười. Xem lại ngày hiển thị trên mặt đồng hồ, ngày Một tháng Tư. Cha mẹ ơi !
Ngày này, năm ngoái, cũng đám Ngạn, Mai bảo Phương chết. San thiếu điều lộn ngược ruột gan chạy lại nhà Phương, nhìn thấy Phương đsang săn sắn ngồi Karaoke, San tức không há miệng nói được tiếng nào. Phương nhìn San lâu lắm : “Tôi vẫn còn trong trái tim em?”. San bật cười, gờn gợn hỏi lại mình câu ấy. Nhìn Phương cười cười, chắc Phương lại nói chơi.Bởi vì, San và Phương ai mà lại không diễn một vai trong cuộc đời này.
Nhớ chuyện năm ngoái, San đinh ninh năm nay mình không bị lừa nữa đâu. Nhưng chỉ lát sau, San lại có điện thoại. Lại cồng cộc chạy lên hai mươi bốn bậc thang, San nói trước : “Đừng giỡn nữa mà”. Nhưng bên kia là đạo diễn Lưu. San giật mình hỏi lại : “Có chuyện gì không thầy?”. Thầy Lưu bảo, Phương chết rồi. San biết thầy không bao giờ đùa. San đứng sững trong phòng nhà văn hóa. Một nhân viên trong phòng gọi San rất to, San tuyệt vọng đẩy cửa, nhưng cánh cửa vẫn im lìm. Có tiếng người nhắc, hãy kéo cửa về phía sau. San chen ra.
Trúc dắt xe máy đưa San ra cổng. Trúc dặn San phải thiệt cẩn thận, đường đây về thành phố thì xa, đây trở ra ngã tư là quốc lộ, xe cộ nhiều ghê lắm. San chạy đến ngã tư. Chị không biết ngã nào về thành phố. Chỉ chống chân xuống đường giữ cho chiếc xe thăng bằng. Một nỗi lo gì đó chợt ứ đầy trong chị, muốn khóc mà không khóc được. Bao nhiêu nước mắt đã dành cho nhưng vai diễn, cho công chúng hết rồi, chị không còn giọt nào cho mình. Chị hiểu rằng vậy là vai diễn cuộc đời mình vừa hoàn tất. Bình sinh, không lúc nào chị hít thở, chị hoá thân mà trong chị không có một tình yêu năm cũ, không có Phương. Nó chìm lặng giữa muôn ngàn nỗi đau, nỗi thương tổn yêu thương chẳng được đền đáp bởi yêu thương. Lòng chị dửng dưng bởi Phương bao giờ cũng ở đó. Nhưng bây giờ Phương mất rồi, mất thật rồi. Sẽ không còn được nhìn thấy Phương phong trần, mệt mỏi, không nhìn thấy Phương cười, nghe Phương nói … Sẽ không còn được Phương ôm trong vòng tay dù chỉ là vai diễn. Chị nhấn ga cho xe vọt lên và nấc nhọc nhằn. Đã có nước mắt. Chị thấy trước mắt mình nhoà đi, kiệt sức, chị gục xuống giữa đường. Con đương Trúc dặn, xe cộ nhiều ghê lắm.

Ở nhà Phương, bọn Ngạn, Mai, Lưu đã tụ lại rất đông, họ đang chờ đoạn cao điểm nhất của một ngày vui. Nhà Phương dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng lại. Không còn vỏ bia lon lổn nhổn, tàn thuốc lá bết vào bàn chân. Phương ngồi trên băng đá trước nhà, chỗ này khi San về, anh sẽ thấy San trước tiên khi chị vòng qua nhà ông già dân phố ở góc đường rẽ vào đây. Anh sẽ tặng một bó hồng đẹp nhất cho San và nói với San rằng, mười năm qua anh hi sinh San cho nghệ thuật là một điều không công bằng, rất không công bằng. Bởi San là tất cả cuộc sống của anh. Lẽ ra anh không nên đùa như thế nhưng trò đùa này có ý nghĩa làm sao, rằng một người đã sống lại vì tình yêu một người.

Nhưng San đã không bao giờ về nữa.
Hôm ấy là ngày một tháng tư. Ngày này, người đời hay đùa lắm.
NGUYỄN NGỌC TƯ

Không có nhận xét nào: