Tìm trong nỗi nhớ - 1

TÌM TRONG NỖI NHỚ

Tiểu thuyết - Lê Ngọc Mai

1

Đó là một ngày mùa hè nắng chói chang cách đây vừa đúng hai mươi năm. Chiếc xe commăngca dã chiến bạt sờn, sơn lở mà bố tôi mượn của cơ quan chở ba bố con tôi ra sân bay Nội Bài. Tôi lên đường đi học đại học ở Nga, bố và em trai đi tiễn. Đây là lần đầu tiên tôi rời Việt Nam. Mười tám tuổi, bốn mươi ba cân, hành lý là một chiếc vali lèn đầy quần áo và các mặt hàng tạp hóa. Son phấn Thái (xịn), kimono Nhật (rởm), áo phông nữ "cành mai", áo phông nam "cá sấu"..., mỗi loại xếp thành một xấp. Một đống quần lót "hoa hồng" xanh đỏ tím vàng với số lượng thừa thãi cho cả năm năm đại học. Hai bức tranh sơn mài màu sắc na ná như nhau, đỏ đỏ, xỉn xỉn, một bức "chăn trâu thổi sáo" và một bức "vịnh Hạ Long". Vài tấm tranh lụa, cái nào cũng tre, chim với thiếu nữ áo dài ( khi tre chim nhiều thì áo dài ít, khi tre, chim ít thì áo dài nhiều). Dăm gói bột nghệ, một lô dầu cao "Sao Vàng", mấy hộp "sâm quy bổ thận" (thành phần ghi ngoài vỏ hộp gồm nhiều loại cây thuốc nghe tên rất đáng nể, nhưng không thấy có sâm.)
Số hàng hóa này không phải là dành cho tôi, tức là không phải để tôi dùng. Phần tôi, chỉ có vài bộ quần áo và hai tập từ điển Nga-Việt dày cộp. Còn lại, quần áo, son phấn, thuốc thang là để xuất khẩu sang thị trường Nga với mục đích đổi về bàn là, nồi hầm, ấm điện, tủ lạnh... Các tác phẩm nghệ thuật thì dành để khi có dịp dùng làm quà tặng thầy giáo, bạn bè (người Nga, tất nhiên, chứ người mình có ai treo những thứ này trong nhà.) Suốt cả tuần lễ trước ngày tôi lên đường, chiều nào sau giờ làm việc cô tôi cũng phải lăn lóc lượn đi lượn lại Hàng Ngang, Hàng Đào để kiếm cho đủ chủng loại, số lượng hàng hóa cần thiết. Cô nhất quyết dành cái công việc khổ sai này về phần mình vì không tín nhiệm bố con tôi." Lù đù như bố con mày, không mua nhầm hàng rởm thì cũng bị chúng nó chém cho, thôi cứ để đấy cô lo, cô có kinh nghiệm mua đồ cho thằng V. đi Hung năm ngoái rồi". Những túi to, bọc nhỏ mà cô hì hụi vác đến làm bố tôi phát hoảng : "Con L. C. đi học chứ có đi buôn đâu mà cô bắt nó tha đi nhiều thứ thế !" " Ai cũng mang đi như vậy cả, tội gì không mang", cô tôi gạt phắt.
Đúng, ai cũng mang đi như vậy cả. Lúc kiểm tra ở hải quan, hơn ba chục cái vali của cả đoàn mở ra, cái nào cũng có ngần ấy thứ : "cành mai", "cá sấu", phấn "con bướm", xi líp "hoa hồng"... Mấy cậu bạn tôi, trong lúc xếp lại đồ đạc, vụng về làm tung ra ngoài xấp quần lót nữ màu sặc sỡ, mặt đỏ lựng lên ngang màu đỏ của bông hồng thêu trên quần lót (thời ấy khái niệm "đỏ mặt" còn tương đối thông dụng.)
Trong vali của tôi có một thứ mà chắc chẳng ai trong đoàn cùng đi hôm ấy có. Không, không phải là một mặt hàng "độc" mang lậu qua hải quan. Đó chỉ là một tờ giấy đơn sơ với vài hàng chữ viết to, đường nét rắn rỏi, tự tay bố tôi viết và dán vào mặt trong của nắp vali cho tôi trước hôm tôi lên đường. "Tính con hay quên nên bố dán vào đây cho khỏi thất lạc, và để mỗi lần con mở vali ra thì lại thấy ngay", bố tôi bảo. Nội dung tờ giấy là những điều bố tôi căn dặn cô con gái lần đầu tiên đi học xa nhà. Ông đánh số cẩn thận, có bảy điều cả thảy.
Hai mươi năm đã qua, chiếc vali cũ mòn và quê kệch của chuyến xuất ngoại đầu tiên đã bị quẳng từ lâu ra bãi rác, nhưng tờ giấy ấy thì đến giờ tôi vẫn giữ. Ố vàng, mép giấy chỗ sờn mỏng tang, chỗ cộm vệt hồ dán, nó nằm sâu trong một ngăn tủ của tôi, kẹp giữa cuốn sổ thơ thời sinh viên. Bây giờ đọc lại, thấy thương bố đến nao lòng.
Nhưng ngày đầu tiên ở Matxcơva, lúc mở vali ra, đập vào mắt những lời dặn dò của bố, tôi chỉ thấy buồn cười. Từ khi mẹ tôi mất, mọi nỗi lo toan cho hai đứa con dồn cả lên vai bố tôi, ông đâm ra thành người kỹ tính. Con gái đã mười tám tuổi mà bố phải dặn chi li từ chuyện ăn, chuyện mặc. Mặc đủ ấm khi trời lạnh... (Ông già không yên tâm với cô con gái chủ trương ăn mặc vị nghệ thật, bất chấp thời tiết. "Mặc gì" luôn luôn là đề tài tranh luận nảy lửa giữa hai bố con, những sáng mùa đông trước giờ đi học, kể từ khi tôi bắt đầu trở thành một cô bé thích làm điệu, lớn lên giữa Hà Nội đói nghèo của thời bao cấp mà khái niệm "ấm" và khái niệm "đẹp" chẳng mấy khi may mắn đi đôi được cùng nhau.) Ăn uống điều độ... (chứ đừng thỉnh thoảng lại bỏ bữa ban ngày, lục cơm nguội ăn đêm, như hồi ôn thi đại học !) Chịu khó tập thể thao... (đây là điều mà cụ vẫn phàn nàn rằng con chẳng giống cha : bố thì hăng hái hết chạy lại bơi, con thì rảnh rỗi chỉ thích nằm dài ra đọc truyện.) Học tập là nhiệm vụ chính, không được để các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến việc học... (Các hoạt động khác ? Hẳn cụ muốn nói đến "hoạt động thương mại" ? Nghe nói sinh viên Việt Nam ở Liên Xô và Đông Âu bây giờ buôn bán rầm rầm, bố tôi chỉ sợ con gái theo đuôi bạn bè mà xao lãng chuyện học. Nếu không có cô tôi vừa thuyết phục vừa trách móc thì bố tôi đã quyết không cho tôi mang đi những mặt hàng "chiến lược" kể trên . ("Dính vào chuyện buôn bán phức tạp lắm, nhà mình không có khiếu đi buôn !"). Tôi đang háo hức với chuyến đi, thấy bố bảo sao cũng sẵn sàng nghe vậy, nhưng cô tôi đã đưa ra một lý lẽ đơn giản : "Anh có lo được cho con L.C. không, mà không để nó tự lo cho nó ? Mấy năm nữa nó học xong về nước, lấy chồng đẻ con, anh muốn nó cũng sống cực như anh bây giờ à ?". Bố tôi lập tức đầu hàng, những rõ ràng trong lòng vẫn không yên.) Tuyệt đối tránh quan hệ yêu đương với người nước ngoài... A, đây mới là vấn đề mấu chốt !
"Tình không biên giới" là nỗi lo sợ ám ảnh hầu hết các ông bố bà mẹ có con đi du học thời bấy giờ. Đương nhiên, ở một cái xứ, một cái thời, mà việc cô con gái Hà Nội lấy chồng Nghệ Tĩnh đôi khi cũng đủ làm nên một bi kịch gia đình, thì chuyện dâu tây rể tây phải bị coi là đại họa. Vả lại, ai cũng biết rằng đi du học mà "lấy tây" thì chẳng còn đường về nước : đương sự bị coi như kẻ đào ngũ, bố mẹ mất con, gia đình mất danh dự. Đây mới là điều đáng sợ nhất đối với các bậc phụ huynh. Hai tiếng "lưu vong" thời ấy nghe giống như một án tù. Những trường hợp "lưu vong ái tình" trong giới lưu học sinh mới chỉ xảy ra hiếm hoi lẻ tẻ, nhưng cũng đủ để treo gương tày liếp.
Cuộc đời luôn luôn có những biến động bất ngờ. Thế hệ của chúng tôi, lớp du học sinh ra đi vào những năm tám mươi, sẽ mở đầu cho một làn sóng lưu vong mới mà "ái tình" không phải là nguyên nhân và con đường duy nhất như các năm về trước. Nhưng vào thời điểm đó, đứng chen chúc trên sân bay Nội Bài, nhễ nhại mồ hôi trong cái oi ả của một ngày cuối tháng tám, không ai trong chúng tôi có thể ngờ trước được điều này. Vali đầy ắp hàng và đầu đầy ắp ước mơ, chúng tôi ra đi, để lại sau lưng mình quê hương mà sau này đối với nhiều người mãi mãi sẽ chỉ còn là một chốn để thương để nhớ.
Đêm đầu tiên ở Matxcơva, trời cuối hè bắt đầu se lạnh. Mệt phờ người sau một chuyến bay dài và một lô thủ tục hành chính rắc rối, nhưng không sao ngủ được, tôi và T.H. ra đứng bên cửa sổ, nhìn xuống thành phố lấp lánh dưới ánh đèn. Choáng ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy của đêm Matxcơva, choáng ngợp vì nhiều cảm xúc mơ hồ, lẫn lộn, choáng ngợp với những dự cảm về một tương lai còn chưa rõ nét nhưng chính vì vậy mà lại có vẻ đẹp huyền bí đến nao lòng. Còn gì rạo rực hơn khi người ta mười tám tuổi, thả hồn bay bổng đến một vùng trời mà mọi mơ ước đều được phép, một vùng trời bí ẩn có cái tên gọi rất quyến rũ là Tương Lai.

2




Tương lai, cái tương lai mà Lan Chi hình dung cho mình hai mươi năm trước đây, hoàn toàn chẳng có chút gì giống với cuộc sống của cô hiện tại. Chẳng phải do cô có trí tưởng tượng quá nghèo nàn, hay ngược lại, quá "giàu trí tưởng bở". Chỉ vì cuộc đời cứ thích đi theo những đường ngoắt nghéo, thích rẽ ngoặt ở những khúc bất ngờ, thích đẩy người ta vào những hướng mà nhìn qua cứ tưởng là quen, cuối cùng hóa ra lại dẫn đến một nơi lạ hơ, lạ hoắc. Chẳng hạn, làm sao cô có thể đoán trước được rằng đời mình sẽ neo bến ở đây, ở cái thành phố miền Nam nước Pháp này, nơi mà hai mươi năm trước nếu có ai hỏi thì chắc chắn cô phải mở sách giáo khoa địa lý ra mới trả lời được là nó nằm ở góc nào trên bản đồ thế giới.
Bây giờ thì hiển nhiên tương lai không còn là đề tài để Lan Chi mơ mộng. Nếu có nói, có nghĩ về tương lai, thì đối với Lan Chi đó chỉ là tương lai của mấy đứa con. Bản thân cô chưa già, ba mươi tám tuổi, trong thâm tâm thậm chí còn tự thấy mình khá trẻ (và các ánh mắt đàn ông mà cô vẫn thường xuyên thấy hướng vào mình trên đường phố cũng khẳng định điều ấy), nhưng đời cô thì dường như đã an bài . Một ông chồng, ba đứa con (đây cũng là một bất ngờ ngoài sức tưởng tượng : trong các giấc mơ thời thiếu nữ, chưa bao giờ Lan Chi thấy mình có quá hai kẻ hậu sinh). Một biệt thự hai tầng xinh xắn nằm giữa một khu phố lịch sự, một chiếc ôtô Ford Fiesta (chung cho hai vợ chồng), hai chiếc xe đạp (vợ một cái, chồng một cái), hai chiếc máy vi tính (vợ một cái, chồng một cái). Trong nhà, đồ đạc và cách thức bài trí nhìn chung giống như mọi gia đình trung lưu ở Pháp, chỉ khác ở chỗ là tất cả các mặt tường đều để trống, hoàn toàn không có lấy một bức tranh. Đây là kết quả của sự thỏa hiệp giữa hai vợ chồng, sau khi họ phát hiện ra rằng gu nghệ thuật của họ hoàn toàn không giống nhau : anh cho rằng những bức cô muốn treo không phải là tranh, mà là một hình thức phản nghệ thuật kỳ quái, còn cô thì không chịu nổi sở thích của anh đối với những bức "tranh hàng chợ" thô thiển theo quan điểm của cô ( có thể đó là một hậu quả của quá khứ : thời kỳ "nhà nhà sơn mài, người người tranh lụa" xa xưa đã làm Lan Chi trở nên cực đoan, dị ứng với tất cả những môtíp tranh đơn giản và quen thuộc).




Một ngày bình thường của Lan Chi bắt đầu từ bảy giờ sáng. Chính xác hơn là từ bảy giờ kém mười lăm. Đây là thời điểm phải đấu tranh tư tưởng quyết liệt nhất trong ngày. Sáng nào cũng vậy, khi chuông đồng hồ reo lên một cách quái ác, việc đầu tiên của Lan Chi là nhỏm dậy với tay tắt nút chuông đồng hồ. Xong lại nằm xuống và tự nhủ : Hãy còn sớm, có thể nằm thêm năm phút nữa. Rồi lại thêm năm phút nữa tiếp theo...Nhất là vào mùa đông như hiện nay, khi bên ngoài trời lạnh gần 0 độ, trong giường chăn và chồng thì lại ấm, phải có nhiều nghị lực lắm mới dứt khoát chui được ra khỏi chăn. Trung ít khi dậy cùng lúc với vợ : anh là bác sĩ, giờ giấc thất thường, có hôm đi từ lúc trời còn tối đen, có hôm lại ngủ bù sau ca trực đêm trước.
Như vậy, đúng bảy giờ thì Lan Chi bật dậy được khỏi giường. Đồ ăn sáng gọn nhẹ cho bốn mẹ con chuẩn bị trong mười phút. Xong xuôi, cô gọi ba đứa con dậy. Việc này không đơn giản vì lũ trẻ cũng hệt như mẹ nó (có lẽ, lỗi tại mùa đông châu Âu). Giai đoạn đầu, cả ba đứa đều lờ đi, làm như không nghe thấy tiếng mẹ gọi. Đến khi Lan Chi vừa gọi vừa thò tay vào giường lay từng đứa một thì cu Nam mới cựa mình, làu nhàu, mắt vẫn nhắm tịt : "Cho con nằm thêm một tí !" Việt Anh và Lan Anh - hai bé sinh đôi - cũng ê a nói theo anh : "Cho con nằm thêm một tí í í ...!" Một tí là khoảng thời gian dao động từ mười đến mười lăm phút. Sau đó bắt đầu giai đoạn cuống cuồng cuồng : thay quần áo, ăn sáng, đánh răng rửa mặt, tất cả phải hoàn thành trong vòng nửa tiếng. Mẹ vừa lo lắng liếc đồng hồ vừa gắt gỏng vì lo muộn giờ, lũ con thì cãi nhau chí chóe để dành chỗ trong buồng tắm, rồi : "Mẹ ơi, mũ của con đâu ?” , "Sao giầy của con chỉ có mỗi một chiếc ?", "Việt Anh lấy nhầm găng tay của con rồi"... Nhà cửa được đảo lộn lên để truy tìm đồ thất lạc, mũ của Nam hóa ra ở trong buồng tắm, giầy của Việt Anh tìm thấy ở một góc hành lang, Việt Anh và Lan Anh đổi lại găng tay cho nhau, và bốn mẹ con hớt hải chạy đến trường.
Sáng nào cũng là một cuộc chạy đua cấp tốc như vậy. Trường tiểu học của Nam và trường mẫu giáo của Việt Anh, Lan Anh nằm sát cạnh nhau, cách nhà chừng mười lăm phút đi bộ. Với tốc độ chạy của mẹ con Lan Chi thì chỉ mất hơn mười phút. Hai bé sinh đôi rất khoái trò này. Tuy mới năm tuổi mà chúng chạy còn nhanh hơn mẹ, vì không vướng đôi giày cao gót , và lại có cái đích trước mắt để đuổi theo là anh Nam.
Đưa ba đứa con vào trường xong, Lan Chi đi bộ ra bến tàu điện ngầm. Từ ngày hai bé sinh đôi có thể đi bộ ( tức là chạy bộ) đến trường, Lan Chi thường để ôtô cho chồng đi. Bệnh viện của anh ở cách nhà khá xa, ngoài công việc ở bệnh viện ra anh còn làm thêm một tuần ba buổi tại một phòng khám tư, lộ trình nhà-bệnh viện-phòng khám, nếu sử dụng phương tiện giao thông công cộng thì phải đổi tuyến mấy lần, rất phức tạp và mất thời gian. Ngược lại, Lan Chi làm việc ở ngay trung tâm thành phố, cách trường học của lũ trẻ chừng sáu bến tàu điện ngầm, không phải đổi tuyến lần nào, tàu chạy thẳng một lèo mười lăm phút là tới nơi.
Nơi Lan Chi làm việc là một hiệu sách. Công việc của cô là bán sách : đứng quầy, trả lời những câu hỏi của khách hàng, nếu cần thì giúp khách tìm sách, và quan trọng nhất là gõ hóa đơn, nhận tiền. Tóm lại, một công việc hoàn toàn không đòi hỏi chuyên môn tâm lý học và tấm bằng tiến sĩ của cô.
Công việc này đến với Lan Chi một cách hoàn toàn tình cờ. Nó năm ngoài dự kiến của những năm đại học ngập đầu trong thi cử và luận án. Nó nằm ngoài cả những ước mộng nghề nghiệp táo bạo nhất thời thơ bé, khi mà Lan Chi cứ vài tháng lại đổi nghề một lần, từ thủy thủ thành phi công vũ trụ, từ phi công vũ trụ thành diễn viên điển ảnh nổi tiếng... Một buổi sáng, vào thời điểm mà Lan Chi đã hoàn toàn mất hy vọng tìm được việc đúng chuyên môn của mình ở thành phố này, một mẩu quảng cáo nhỏ trên Internet bỗng lọt vào mắt cô : "Tìm người bán sách cho một hiệu sách ở trung tâm thành phố ..."
Đây là một hiệu sách nhỏ chuyên bán sách châu Á, nói đúng hơn là bán các sản phẩm văn hóa châu Á : ngoài sách là mặt hàng chính ra, còn có băng đĩa nhạc, tranh ( lại tranh lụa, sơn mài !), đồ mỹ nghệ, một ít đồ gốm sứ trang trí hoa văn kiểu Tàu, được gọi là đồ cổ, nhưng chắc chỉ cổ được đến vài chục năm là căng. Ông chủ là người Pháp. Nghe nói, ông đã có đến hơn chục năm sống và làm việc ở các nước vùng Đông Nam Á, rồi đâm ra phải lòng nền văn hóa của các xứ sở này. Lan Chi được nhận vào làm việc ở đây vì cô là người Việt ( sản phẩm Việt Nam chiếm một phần khá lớn ở đây), vì cô nói thành thạo cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, và có lẽ một phần còn vì cô có ngoại hình rất phụ nữ Á Đông, dịu dàng và dễ thương dưới mắt người Âu.
Khách lui tới cửa hàng có cả người Á lẫn người Âu. Lan Chi hầu như không có mấy dịp được trổ tài nói tiếng Việt, vì nói chung thì khách hàng chẳng có việc gì cần hỏi đến người bán hàng. Thi thoảng có chuyện cần thì họ đều nói bằng tiếng Pháp, kể cả những người đến để mua sách tiếng Việt và mặt mũi thì trông đặc "Mít". Cũng phải, vì họ chỉ có thể biết cô là người gốc Á, chứ làm sao đoán chính xác được là người nước nào. Có lần, một khách hàng đã nhận nhầm cô là đồng hương : ông ta vừa cười hỉ hả vừa nói rất to, tuôn ra một tràng dài toàn dấu hỏi và dấu sắc làm tai Lan Chi ù cả lại . Tuy chẳng hiểu gì hết, nhưng qua âm điệu thì Lan Chi cũng đoán được ông ta nói tiếng gì, cô bèn nhã nhặn trả lời bằng tiếng Pháp : "Xin lỗi ông, tôi không hiểu tiếng Hoa". Ông già khựng lại một tí rồi vội vàng xin lỗi bằng tiếng Pháp.
Kể từ khi Lan Chi làm việc ở đây, chỉ một lần duy nhất có khách hàng chủ động nói tiếng Việt với cô. Đó một chàng thanh niên Pháp trẻ măng (không quá hai nhăm tuổi), sau khi trả tiền mua một cuốn sách hướng dẫn du lịch Việt Nam (bằng tiếng Pháp) và một quyển "Hội thoại Pháp-Việt" loại bỏ túi ( chắc để chuẩn bị đi du lịch Việt Nam), anh ta bỗng nhiên mỉm cười ranh mãnh với Lan Chi và nói bằng một thứ tiếng Việt không có dấu : "Cam ơn em nhe. Tam biêt." Lan Chi cũng "tạm biệt" đáp lại kèm theo một nụ cười rất tươi, biết chắc rằng có nói hơn thì anh chàng cũng chẳng hiểu gì. Bụng nhủ thầm may mà anh ta mới chỉ gọi mình là "em nhé" thôi, chứ chưa đến mức trịnh trọng "lạy cụ ạ".
Khoảng ba năm trước, hồi Lan Chi mới nhận việc, một lần có cặp vợ chồng già người Á Đông vào cửa hàng chọn mua tranh. Nghe họ bàn luận với nhau, cô nhận ra là họ nói thứ tiếng mẹ đẻ của mình. Khi họ ra quầy trả tiền, Lan Chi sốt sắng bắt chuyện : "Thưa, hai bác là người Việt ?" Rất nhanh, cả hai người ngước mắt nhìn cô chòng chọc vài giây, bà già mấp máy môi định nói điều gì rồi lại thôi, còn ông già thì đưa mắt nhìn đi chỗ khác. Bối rối, Lan Chi lặp lại câu hỏi trên, nhưng bằng tiếng Pháp. Vẫn không có một câu trả lời. Nhận bức tranh đã gói ghém lại cẩn thận từ tay Lan Chi, hai người khách ra khỏi cửa hàng, mặt vẫn lạnh tanh, không "merci, au revoir" gì hết. Sau này, nghe Lan Chi than thở, Thanh Hoa, cô bạn thân của Lan Chi hiện sống ở Paris, bảo : "Người ta ghét cái giọng Hà Nội của mày nên không thèm nói chuyện chứ có gì đâu !" Trung, chồng cô, thì gạt đi : "Người già nặng tai nghe không ra, mình sức mấy mà để bụng.." Chẳng để bụng thì Lan Chi cũng không bao giờ dại dột lặp lại cái thử nghiệm nói tiếng Việt với một người Việt không quen biết ở xứ này nữa.




Mùa đông bao giờ cũng là mùa cửa hàng vắng khách nhất trong năm. Kỳ nghỉ Noel đến gần, thiên hạ nô nức đi mua sắm quà cáp, các cửa hàng quần áo, giày dép, đồ chơi ...ở trung tâm thành phố đông nghịt người. Hiệu sách to đùng bên cạnh cũng kẻ ra người vào tấp nập, nhưng cửa hàng của Lan Chi thì vắng hắt vắng hiu. Văn hóa Á đông không phải là một món quà Noel thích hợp đối với cả người Âu lẫn người Á.
Cả buổi sáng nay cánh cửa ra vào cửa hàng được đẩy ra có năm lần. Đầu tiên, một người Âu vào mua một quyển sách về đạo Phật. Tiếp đến là ba người Á Đông cùng đi với nhau, mua một quyển truyện ở ngăn "văn học Thái Lan". Rồi một tốp năm người Á Đông nữa, cười rất to, tranh luận rất ồn ào (bằng một thứ tiếng mà Lan Chi không hiểu), nhưng không mua gì hết. Sau khi nhóm người này đi ra, cửa hàng rơi vào trạng thái lặng như tờ đến gần một tiếng, rồi có một phụ nữ tóc vàng vào mua một bức tượng gỗ. Đến quá trưa, khi Lan Chi chuẩn bị kết thúc ca làm việc của mình, thì một đôi nam nữ thanh niên đẩy cửa bước vào. Chàng trai tóc đen, rõ là dân châu Á. Cô gái tóc nâu, nhưng mặt mũi cũng không Âu gì hơn. Căn cứ vào hai đĩa nhạc Việt Nam mà họ mua, Lan Chi giả thiết rằng họ là đồng hương của mình. Nhưng vì đã có kinh nghiệm cay đắng nên tất nhiên cô không thốt ra một câu tiếng Việt nào. Đôi thanh niên nhìn cô vẻ dò hỏi, mỉm cười thân thiện, nhưng có thể vì họ cũng có kinh nghiệm cay đắng như cô, hay vì một lý do gì khác mà cô không rõ, họ chỉ trao đổi với Lan Chi vài câu ngắn gọn bằng tiếng Pháp.
Một giờ trưa, Lan Chi bàn giao cửa hàng cho Julie, cô bạn người Pháp làm ca chiều. Cả Lan Chi lẫn Julie đều chọn làm việc theo hình thức "mi-temps", tức là chỉ làm nửa ngày. Làm như vậy thu nhập ít, nhưng lại có thời gian và sức lực để chăm sóc chồng con. Lan Chi chủ trương làm việc "tà tà", vì với cái nghề bán sách của cô, dù có làm cả ngày, hay thậm chí làm cả đêm đi nữa, thì cũng đến thế mà thôi. Đường công danh có gì hứa hẹn đâu mà phải cố.
Về đến nhà, việc đầu tiên của Lan Chi là bật máy vi tính lên. Sau đó, cô mở tủ lạnh nhặt ra vài thứ, đặt vào máy vi sóng cho nóng lại, rồi đem ra bàn làm việc, vừa ăn, vừa dán mắt vào màn hình vi tính. Trung đã đi làm, ăn trưa ở bệnh viện. Ba đứa con ăn ở trường. Có một mình, Lan Chi chỉ ăn qua quýt vài miếng cho xong chuyện.
Nếu không kể thời gian ngủ mà sáng nào Lan Chi cũng phải rời bỏ với rất nhiều lưu luyến, thì quãng thời gian từ hai giờ chiều đến bốn giờ chiều là quãng thời gian mà cô cho là "xa xỉ" nhất trong hai mươi tư tiếng đồng hồ của một ngày, tức là quãng thời gian mà cô có thể yên tâm dành hoàn toàn cho những sở thích cá nhân của riêng cô.
Ba mươi phút đầu, Lan Chi dùng để xem e-mail, trả lời thư từ, và vào những địa chỉ yêu thích trên Internet để xem bài vở, tin tức. Tuy đã qua cái tuổi dễ bị mốt ảnh hưởng, nhưng cô vẫn không tránh được cái bệnh dịch thời đại đang lan nhiễm toàn cầu, tức là căn bệnh "nghiện Internet". Ngày nào không mò được vào mạng một chút là cô ăn không ngon, ngủ không yên, cảm giác như là mình bỗng trở thành Robinson sống giữa đảo hoang, bị cắt đứt mọi liên lạc với thế giới loài người. Lòng dạ bồn chồn như thể có biến cố gì vĩ đại lắm đang diễn ra, mà mình lại bị đẩy ra ngoài cuộc, không được ai cho biết.
Có hai bức e-mail nằm trong hộp thư của Lan Chi hôm nay. Bức đầu là của Thanh Hoa. Cô bạn thông báo rằng đến kỳ nghỉ Noel sắp tới sẽ cùng chồng con đi xuống miền Nam trượt tuyết ở vùng núi Alpes, nếu tiện thì lúc về sẽ lái xe đi vòng vài trăm cây số để đến thăm gia đình Lan Chi. "Nếu tiện", cô bạn nhấn mạnh. "Nhất định phải tiện", Lan Chi viết trả lời, bỗng thấy cồn lên trong lòng niềm ước muốn được gặp lại cô bạn cũ, để trò chuyện, hàn huyên, kể lể... Hay thậm chí là để không nói gì hết, chỉ khóc một chút thôi cho vợi bớt nỗi lòng. Thanh Hoa là nhịp cầu duy nhất ở đây nối Lan Chi với khoảng trời xưa, với cái thời tuổi trẻ xa quá mà thương quá.
Bức thư thứ hai là của cậu em trai ở Berlin, giục chị đến kỳ nghỉ thì đem lũ nhóc sang Đức chơi với hai đứa em họ ở Đức, cho chúng nó luyện tiếng Việt với nhau, "cố sang nhé, chị hứa nhiều lần rồi đấy!". Lan Chi biết là mình lại phải khất thêm lần nữa. " Năm nay chị không thu xếp đi được. Hay vợ chồng em đem bọn trẻ sang đây chơi ?"
Thư từ xong, dạo một vòng qua mấy site Internet, biết thế giới vẫn không có gì đặc biệt, tức là vẫn động đất ở chỗ này, lũ lụt ở chỗ kia, khủng bố ở một (hay vài) nơi khác, các loại tội phạm giết người, trộm cắp... ở khắp mọi nơi, Lan Chi thở dài, gạt ra khỏi đầu một triết lý sáo mòn về nhân tình thế thái mà bao giờ cũng hiện đến với cô ngoài ý muốn, những lúc cô vào Internet đọc tin. Rồi Lan Chi ngắt mạng và nhấn con chuột, mở ra một cửa sổ mới trên màn hình vi tính.
Cái cửa sổ này là bí mật của Lan Chi, nỗi đam mê của cô, niềm hạnh phúc của cô. Cô giấu nó với chồng như người vợ ngoại tình giấu thư của tình nhân. Cô giấu nó với tất cả người quen như một người đàn bà đoan chính giấu thói nghiện rượu hay thói ham cờ bạc của mình. Mỗi ngày, cô chỉ dành cho cái ô cửa ấy chừng một tiếng rưỡi đồng hồ, nhưng đó là những giờ phút cô sống mãnh liệt nhất, hết mình nhất, những giờ phút mà quá khứ, tương lai, hiện tại hòa trộn vào nhau, hiện thực và ước mơ không còn ranh giới. Ở ô cửa này, Lan Chi viết và lưu giữ một bản thảo đang dở dang của cô.
Lan Chi chưa bao giờ là nhà văn. Cô chưa biết nên gọi bản thảo đang viết dở là gì. Nó bắt đầu từ những hồi ức xa xưa, nhưng không hẳn là hồi ký : Lan Chi muốn hình dung lại cái không khí chung của một thời đã sống, chứ không định ghi lại chính xác một trăm phần trăm từng chi tiết, từng sự kiện. Vả lại, Lan Chi không định dừng câu chuyện của mình lại trong quá khứ, cô vẫn còn chưa biết sẽ kéo dài nó đến tận đâu. Thôi thì cứ tạm gọi đó là một cuốn tiểu thuyết tự truyện.
Đây là lần đầu tiên Lan Chi viết tiểu thuyết. Dự định về cuốn tiểu thuyết ấy cô đã ấp ủ rất lâu rồi, nhưng sau khi xóa đi viết lại nhiều lần và bỏ dở nửa chừng, cô chỉ mới thực sự bắt đầu lại cách đây có vài tháng. Cô chưa hề nghĩ đến chuyện mình sẽ gửi in ở đâu (thậm chí có gửi in hay không cũng chưa nghĩ đến), chỉ thấy có sức mạnh vô hình nào cứ thôi thúc mình phải viết. Viết như một sự giải thoát. Viết để sống lại với quá khứ, để nhìn lại con đường đi của mình và bạn bè, một thế hệ mà cô cho rằng có số phận thật là đặc biệt (thực ra, thế hệ nào mà chẳng coi số phận của họ là đặc biệt ?) Và có lẽ còn viết để thực hiện những ước mơ thầm kín mà cô không thể thực hiện được ngoài đời.
Người duy nhất được Lan Chi tiết lộ về cuốn tiểu thuyết này là Thanh Hoa. Chính Thanh Hoa là người đầu tiên đã gieo vào đầu Lan Chi cái ý định viết tiểu thuyết. Từ hồi học cấp ba, cô bạn đã ngưỡng mộ Lan Chi như một " tài năng văn học", vì đợt thi báo tường nào của trường lớp họ cũng giật giải nhờ những bài thơ vần điệu du dương của Lan Chi ( những câu thơ đại loại như "Con đường mờ sương ngày ta đi học", hay "Làn tóc em bay, mát cả trời chiều"... một thời đã khiến cho các cậu con trai trong trường ra ngẩn vào ngơ, chốc chốc lại tìm dịp nhìn trộm nữ thi sĩ một cái, - của đáng tội, không có thơ thì cũng đã khối người muốn liếc trộm cô rồi). Trong một lần ngồi trò chuyện với nhau, nhắc đến bạn bè giờ đây chỉ có vài đứa còn ở trong nước, còn thì tung tán khắp mọi nơi, Nga, Pháp, Anh, Đức, Mỹ, Nhật ... nơi nào cũng có, Thanh Hoa chợt buột miệng nói : "Tao mà có tài như mày thì tao sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về thế hệ bọn mình. Mà sao mày không viết đi, tha hồ lắm chuyện giật gân."
Vậy là Lan Chi viết tiểu thuyết. Viết một cách giấu giếm vì cô không muốn trở thành lố bịch dưới mắt người đời (đặc biệt là dưới mắt chồng). Thời buổi này tiến sĩ tâm lý học đi bán sách thì chẳng ai ngạc nhiên, chứ cô bán sách mà lại viết tiểu thuyết thì đúng là làm trò cười cho thiên hạ.
Đúng bốn giờ chiều, chuông đồng hồ reo vang, Lan Chi rời máy vi tính đứng dậy nhưng mắt vẫn mơ màng như người chưa tỉnh ngủ. Cô phải đặt chuông đồng hồ, nếu không thì thể nào cũng mê mải viết mà quên đi giờ giấc. Cô dành nửa tiếng để dọn dẹp nhà cửa trước giờ đi đón con ở trường. Nửa tiếng ấy cũng là để cho Lan Chi hồi tỉnh, bứt ra khỏi cái trạng thái như người lên đồng mà cô thường có trong khi viết, để trở về với hiện thực. Kỷ luật này Lan Chi đặt ra cho mình sau một lần suýt phải trả giá đắt : lần ấy, quá ham viết, cô ngồi lỳ trước máy vi tính cho đến tận bốn giờ rưỡi mới hốt hoảng bật dậy chạy đi đón con, và vừa đi vừa chìm trong dòng suy nghĩ như một kẻ mộng du, cô đã lững thững bước qua đường giữa lúc chưa có đèn xanh cho người đi bộ. Nếu người lái chiếc xe ô tô hôm ấy không phanh két lại kịp thời (kèm theo một câu gắt gỏng), thì có lẽ giờ đây ba đứa con cô đã mồ côi mẹ.
Lan Chi đến trường mẫu giáo đón hai bé sinh đôi trước, rồi dẫn hai đứa sang trường tiểu học đón cu Nam. Bốn mẹ con thong thả đi bộ về nhà. Không ai chạy như lúc sáng nữa, vì bây giờ chẳng có gì mà vội. Vả lại, sau một ngày ở trường cả ba đứa trẻ đều đã thấm mệt.
Mới quãng năm giờ chiều mà trời đã xâm xẩm tối. Thành phố bắt đầu lên đèn. Còn hơn chục ngày nữa mới đến Noel, nhưng phố xá đã chăng đèn kết hoa rực rỡ. Gió thổi vù vù làm những chuỗi dây đèn màu chao đi đảo lại. Trời lạnh buốt, bốn mẹ con bước co ro, chỉ mong chóng về đến nhà. Vẫn là con đường đi buổi sáng, mà sao như dài ra gấp đôi. Lan Chi bỗng thấy thèm một vài bông tuyết rơi, thật nhẹ, thật mềm, để xóa mờ đi cái vẻ nghiệt ngã của thành phố mùa đông mà tất cả những chùm đèn lấp lánh kia cũng không sao làm dịu được.
Mùa đông năm nay thật lạ. Trời lạnh đến thế rồi mà sao vẫn chưa có tuyết rơi ?


Không có nhận xét nào: