Totochan, cô bé bên cửa sổ - 10

Thử thách lòng dũng cảm

"Cái gì dễ sợ, mùi hôi, mà ăn lại ngon?"
Tôt-tô-chan và các bạn em thích câu đố này lắm, nên mặc dù biết tỏng câu trả lời rồi mà các em vẫn nhắc lại không biết chán: "Hỏi tớ cái gì dễ sợ và mùi hôi đi!".
Câu trả lời là "Con quỷ trong nhà tiêu ăn bánh nhân đậu".
Dựa vào kết quả cuối cùng của trò chơi "Thử thách lòng dũng cảm" của trường Tô-mô-e, người ta cũng có thể đặt được một câu đố hay: "Cái gì dễ sợ, làm nhột và làm bạn cười?"
Từ buổi tối dựng lều và cắm trại ở phòng họp, thầy hiệu trưởng đã báo trước: "Chúng ta sẽ tổ chức trò chơi "Thử thách lòng dũng cảm" vào một buổi tối nào đó ở đền Ku-hon-bút-su. Ai muốn xung phong làm ma, giơ tay lên". Có khoảng bảy học sinh nam tranh nhau đóng vai này...
Vào một buổi tối đã định, lúc tập trung đầy đủ ở trường học, các học sinh nhận làm ma sẽ mang the các loại quần áo tự làm lấy đi trốn ở khu đền.
Lúc đi, các em nói: "Chúng tớ sẽ làm cho các cậu sợ mất vía".
Chừng ba mươi học sinh còn lại chia thành từng tốp nhỏ năm người một, lần lượt kéo nhau đến Ku-hon-bút-su. Theo luật chơi, học sinh phải đi xung quanh khu vực đền và nghĩa địa rồi quay về trường.
Thầy hiệu trưởng còn nói cho biết thêm, mặc dù đây là thử thách lòng dũng cảm, nhưng nếu ai muốn quay về nửa chừng cũng được.
Tôt-tô-chan mang theo cái đèn pin đã mượn của mẹ. Mẹ em bảo:
- Đừng đánh mất đấy!
Một vài học sinh nam bảo sẽ bắt hết ma và mang theo những cái vợt bắt bướm; các cậu khác lại mang theo cả dây, nói là để trói ma.
Khi thầy hiệu trưởng nói rõ cách chơi thì trời vừa tối, các tốp được lập theo kiểu "oẳn, tù, tì". Nhóm thứ nhất ra khỏi cổng trường, cười ré lên vì phấn khởi. Dần dà đến nhóm của Tôt-tô-chan.
Thầy hiệu trưởng nói sẽ không có ma nào xuất hiện dọc đường đến đền Ku-hon-bút-su, nhưng các em không tin chắc lắm, vì vậy cứ vừa đi vừa nghe ngóng, sợ sệt, cho tới lúc đến trước cổng đền. Đứng ở đây các em đã có thể nhìn thấy các ông hộ pháp. Khu đền tối đen như mực, mặc dù trăng đã lên. Ban ngày ở đây thật vui và thoáng, nhưng lúc này ai cũng lo không biết khi nào thì gặp phải ma. "Ối giời ơi!", một học sinh kêu lên khi nghe cây lá xào xạc trong gió nhẹ hoặc "Ối! Ma! Ma!" khi chân ai đó chạm phải một vật gì mềm mềm. Cuối cùng, cái gì cũng tưởng là ma, kể cả người bạn mà mình đang cầm tay. Tôt-tô-chan quyết định không đi đến nghĩa địa nữa. Đấy là nơi ma đang rình và dù sao đến đây em cũng đã biết được hết về cái trò thử thách lòng dũng cảm này; em có thể quay về được! Các bạn khác trong tổ của em cũng quyết định y như em. Khi biết có nhiều người cùng nghĩ và làm như mình thì cũng thấy yên tâm hơn - và thế là ba chân bốn cẳng, các em chạy cả về trường.
Về đến nơi, mới biết là những tốp đi trước tốp này cũng đều đã trở về cả. Hình như ai cũng quá sợ, không dám đi đến tận nghĩa địa.
Đúng lúc ấy, một học sinh nam, khoác một mảnh vải trắng trên đầu, vừa đi qua cửa vừa khóc; sau em là một thầy giáo. Cậu ta là một con ma. Suốt thời gian chờ đợi, cậu đã nằm phủ phục ở nghĩa địa, nhưng không thấy ai đến, cậu ta đâm sợ. Cuối cùng, cậu phải ra khỏi nghĩa địa vừa đi vừa khóc và thầy giáo tuần tra thấy vậy đã đưa cậu về trường. Trong khi mọi người đang cố làm cậu ta vui lên, thì cậu thứ hai cũng quay về, cũng khóc, theo sau là một cậu nữa, lại khóc nốt! Cậu làm ma kia cũng trốn trong nghĩa địa, và khi nghe thấy có tiếng người chạy về phía mình, cậu xồ ra định dọa, thế là hai cậu đập đầu vào nhau. Đau và sợ hết hồn, cả hai cậu đều chạy về.
Thật là buồn cười, sau khi đã hoàn hồn, thấy trong người đã trở lại nhẹ nhõm, các học sinh đều cười, cười đến vỡ bụng. Các cậu ma vẫn vừa cười vừa khóc. Lúc sau, một bạn của Tôt-tô-chan tên là Mi-gi-ta trở về. Cậu ta đội một cái mũ ma bằng giấy, và rất cáu, vì không thấy một ai đến nghĩa trang cả.
Cậu ta phàn nàn: "Mình cứ đợi ở đó suốt", rồi vừa nói vừa gãi những chỗ muỗi đốt ở tay và chân.
Có người nói trêu:
- Ma bị muỗi đốt rồi, anh em ơi!
Và mọi người lại cười phá lên.
Ông Ma-ru-y-a-ma, thầy giáo phụ trách lớp năm liền bảo:
- Thôi, bây giờ thì thầy phải đi thu hết số ma còn lại trở về.
Nói xong thầy đi luôn. Thầy gom lại tất cả số ma thầy bắt gặp trên đường đang đứng ngơ ngác dưới các ngọn đèn ngoài phố. Các ma khác sợ quá đã bỏ về nhà. Thầy đưa hết cả về trường.
Sau đêm đó, các học sinh Tô-mô-e không còn ai sợ ma nữa vì, xét cho cùng, chính ma cũng còn sợ nữa là!
---

Phòng diễn tập

Tôt-tô-chan đi thật khoan thai. Rốc-ky cũng đi rất khoan thai, thỉnh thoảng lại nhìn lên Tôt-tô-chan. Như thế có nghĩa là cả hai đang đi đến phòng diễn tập của bố. Thường thường Tốt-tô-chan chạy thật nhanh hoặc tạt bên này, bên kia, tìm một vật gì em đánh rơi, hay chạy qua vườn, hết vườn này đến vườn khác.
Phòng diễn tập của bố chỉ đi bộ năm phút là đến. Ông là nhạc sỹ chính của ban nhạc và như thế có nghĩa là ông kéo vi-ô-lông. Một lần được đến dự một buổi hòa nhạc, điều làm Tôt-tô-chan phải suy nghĩ là sau khi mọi người thôi vỗ tay, người nhạc trưởng ướt đẫm mồ hôi quay về phía thính giả, bước xuống khỏi bục chỉ huy và bắt tay bố, người chơi vi-ô-lông. Rồi bố đứng dậy và toàn thể dàn nhạc cũng đứng dậy.
Tốt-tô-chan hỏi nhỏ mẹ:
-Tại sao họ lại bắt tay bố nhỉ?
Mẹ em trả lời:
-Người nhạc trưởng muốn cảm ơn cả dàn nhạc đã chơi, do đó ông bắt tay bố là người đại diện , coi như là cảm ơn tất cả.
Tôt-tô-chan thích đi đến phòng diễn tập của bố vì ở trường học hầu hết đều là trẻ con, ở đây tất cả đều là người lớn và họ chơi nhiều loại nhạc cụ. Hơn nữa ông nhạc trưởng Rô-den-xtốc nói tiếng Nhật đến là buồn cười.
Bố kể cho em biết: ông Giô-dép Rô-den-xtốc là nhac trưởng rất nổi tiếng ở châu Âu, nhưng có một người tên là Hítle bắt đầu làm những việc khủng khiếp ở đó nên ông Rô-den-xtốc phải trốn đi và sang tận Nhật Bản để có thể tiếp tục sống và làm việc. Bố nói bố rất khâm phục ông Rô-den-xtốc. Tốt-tô-chan không hiểu tình hình thế giới, nhưng đúng lúc đó Hítle bắt đâu khủng bố người Do Thái. Nếu không có chuyện ấy, ông Rô-den-xtốc đã chẳng bao giờ đến Nhật Bản và dàn nhạc mà nhà soạn nhạc Kô-sac Y-a-ma-da dây dựng nên chắc đã chẳng tiến bộ như thế trong một thời gian ngắn nhờ sự cố gắng của người nhạc trưởng cỡ quốc tế này. Rô-den-xtốc đòi hỏi dàn nhạc này phải có trình độ diễn tấu như một dàn nhạc hạng nhất ở châu Âu. Vì thế ông thường khóc sau mỗi buổi diễn tập:
-Tôi cố gắng rất nhiều nhưng các bạn chơi vẫn chưa đạt.
Hi-đê-ô Sai-to, người kéo xen-lô, thường chỉ huy dàn nhạc khi ông Rô-den-xtốc nghỉ, nói tiếng Đức rất thạo và hay trả lời hộ mọi người :"Chúng tôi cũng rất cố gắng. Kỹ thuật của chúng tôi chưa thật tốt. Tôi xin nói để ông hiểu là chúng tôi không cố tình làm như vậy".
Em không nhớ hết tình tiết của câu chuyện, nhưng thỉnh thoảng, ông Rô-den-xtốc mặt mũi đỏ bừng cứ như thể hơi bốc ra từ đầu ông ta, và ông bắt đầu hét lên bằng tiếng Đức. Những lúc như vậy, Tôt-tô-chan thường chạy ra khỏi chỗ cửa sổ nơi em thường thích đứng xem, tay chống cằm; em thường cúi rạp xuống tận đất cùng với Rốc-ky, không dám thở mạnh, và chờ đợi tiếng nhạc lại nổi lên.
Bình thường, ông Rô-den-xtốc rất tốt và ông nói tiêng Nhật nghe rất buồn cười. Hễ khi dàn nhạc chơi hay ông thường nói:"Giỏi lắm, Ku-rô-y-a-na-gi-hsan" hoặc "Tuyệt vời".
Tôt-tô-chan chưa bao giờ vào trong phòng diễn tập. Em thích ghé nhìn qua cửa sổ và nghe nhạc. Cho nên mỗi khi họ nghỉ và các nhạc sĩ ra ngoài hút thuốc, bố thường gặp em ở đấy. Ông thường nói:
-Tôt-sky, con lại ra đây à?
Nếu ông Rô-den-xtốc thấy em, ông thường nói: "Chào em" với một giọng rất bưồn cười, và mặc dù bây giờ em đã lớn, ông vẫn nâng bổng em lên như khi em còn nhỏ rồi áp má ông vào má em làm em rất ngượng. Tuy vậy em rất quý ông Rô-den-xtốc. Ông đeo kính gọng bạc nhỏ, người không cao lắm, và mũi to. Nhưng khuôn mặt ông đẹp và thanh, nhìn có thể nhận ngay ra đó là khuôn mặt nghệ sĩ.
Tốt-tô-chan thích phòng diễn tập, kiến trúc của nó hơi pha kiểu phương Tây và hơi lệch.
Tiếng nhạc ở phòng diễn tập đươc gió thổi từ hồ Sen-dô-ku đưa đi thật cao, thật xa. Thỉnh thoảng, tiểng reo của người bán cá vàng hòa quyện với tiếng nhạc.
---

Chuyến đi suối nước nóng

Thế là kỳ nghỉ hè đã hết và cuối cùng ngày tham quan suối nước nóng đã đến. Học sinh Tô-mô-e coi đây là một sự kiện quan trọng. Mẹ không mấy khi ngạc nhiên nhưng một hôm Tôt-tô-chan đi học về và hỏi:
- Mẹ ơi! Cho con đi đến suối nước nóng với các bạn, mẹ nhé!
Bà lặng đi vì ngạc nhiên. Bà thường nghe nói người già rủ nhau đến suối nước nóng, chứ chưa hề nghe nói, học sinh lớp một đến đó bao giờ. Nhưng sau khi đọc kỹ giấy báo của ông hiệu trưởng, bà nghĩ đây là một sáng kiến và thán phục kế hoạch ấy của ông. Cuộc tham quan này là "một đợt học tập trên bờ biển" ở một địa điểm tên gọi "Toi" trên bán đảo I-du ở Si-du-ô-ka. Có một suối nước nóng ngay tại biển, ở đấy các em có thể vừa bơi vừa tắm nước nóng. Cuộc tham gia kéo dài ba ngày và hai đêm, cha của một học sinh Tô-mô-e có nhà nghỉ ở đó. Tất cả 50 học sinh Tô-mô-e từ lớp một đến lớp sáu có thể ở đấy được. Dĩ nhiên mẹ đồng ý.
Các học sinh Tô-mô-e tập trung tại trường vào ngày đã định trước khi lên đường. Khi các em đã có mặt đông đủ, thầy hiệu trưởng liền nói:
- Bây giờ, chúng ta sẽ đi bằng tàu hỏa, rồi tàu thủy, và thầy không muốn em nào bị lạc cả. Các em có hiểu không? Được rồi, ta lên đường thôi!
Ông chỉ nói có thế, ấy vậy khi các em lên tàu đi Tô-ky-ô ở Gi-y-u-gao-ka các em đều ngoan đến kỳ lạ. Không em nào chạy đi chạy lại trên toa; các em cũng chỉ nói chuyện nho nhỏ với em bên cạnh. Xưa nay cũng không ai bảo các em học sinh Tô-mô-e phải đi thành hàng nghiêm chỉnh, giữ im lặng trên tàu và không được vứt rác trên sàn tàu khi ăn quà bánh. Nhưng cuộc sống hàng ngày ở trường học đã phần nào giúp các em ý thức được rằng không nên xô đẩy những người nhỏ hơn và yếu hơn mình, rằng thái độ thô lỗ là đáng hổ thẹn, rằng hễ thấy rác phải nhặt lên và các em phải cố gắng đừng làm phiền người khác. Điều kỳ lạ nhất là Tôt-tô-chan, cách đây một vài tháng đã làm cả lớp học phải lo ngại vì đang giữa giờ học em nói chuyện với những người hát rong qua cửa sổ, đã ngồi nghiêm chỉnh ở bàn và học bài rất nghiêm túc ngay từ ngày đầu vào học ở Tô-mô-e. Nếu có giáo viên nào đó trường trước kia thấy em bây giờ ngồi ngay ngắn cũng các em khác ở trên tàu, người ấy sẽ nói: "Hẳn là một học sinh nào khác".
Đến Nu-ma-du, các em lên một con tàu giống hệt con tàu mà các em hằng mơ ước. Nó không lớn nhưng ai nấy đều hăm hở đi xem từng góc trên sàn tàu, sờ cái này, đu vào cái kia. Khi tàu rời cảng, các em đều giơ tay vẫy chào mọi người trên bến. Tàu chưa đi được xa, trời đã bắt đầu mưa và các em phải vào trong khoang. Rồi biển động mạnh. Tôt-tô-chan cảm thấy choáng váng, nôn nao như các bạn khác. Đúng lúc ấy, một học sinh nam lớn đứng ra giữa tàu, dang hai tay làm máy bay. Khi tàu tròng trành, cậu ta vừa chạy sang bên này vừa kêu "ù, ù", rồi cậu lại chạy sang bên kia, miệng luôn kêu "ù, ù". Các học sinh không ai nhịn được cười mặc dù say sóng và khi tàu đến Toi, các em vẫn còn cười. Điều không ngờ là sau khi tất cả đã xuống tàu, cậu học sinh làm trò "ù, ù" lại bắt đầu nôn nao choáng váng trong lúc mọi người vẫn bình thường và thấy khỏe!
Toi Xpa ở một làng đẹp, yên tĩnh bên bờ biển xung quanh có những đồi cây. Sau khi nghỉ một lát, các thầy giáo dẫn học sinh xuống biển. Biển không giống như bể bơi ở trường, nên các em phải mặc quần áo tắm.
Suối nước nóng dưới biển thật kỳ lạ. Nó không có bờ bao quanh nên không có đường chia danh giới giữa suối nước nóng và biển. Nếu bạn ngồi thụp xuống chỗ có suối nước nóng, nước nóng lên đến tận cổ rất thú vị, cứ hệt như bạn đang tắm nước nóng vậy. Nếu bạn muốn bơi ra biển từ chỗ suối nước nóng, bạn chỉ cần đi ngay ra độ sáu, bảy thước và thấy nước dần dần mát hơn. Càng ra xa, nước càng lạnh và bạn biết mình đã ra biển. Do đó, sau khi đã bơi loanh quanh trong biển và bắt đầu thấy lạnh, bạn chỉ việc bơi nhanh về suối nước nóng và tắm nước nóng lên tận cổ. Cứ như nhà tắm vậy! Và thật là vui nhộn biết bao! Trong khi các em đội mũ bơi đi bơi lại bình thường ngoài biển, các em trong khu suối nước nóng lại đứng thành vòng tròn nghỉ ngơi, nói chuyện như trong nhà tắm. Ai đó nhìn thấy thế có thể đã nghĩ: "Hay nhỉ, đến thiếu nhi cũng xử sự như người lớn đi tắm ở suối nước nóng".
Dạo ấy, bờ biển còn vắng vẻ đến mức các em cảm thấy như đang ở trên bãi tắm riêng của mình và các em rất thích kiểu tắm suối nước nóng kỳ lạ ở biển như thế này. Sau khi ngâm mình dưới nước lâu như thế, chiều về ai nấy đều thấy những ngón tay của mình nhăn nheo cả lại.
Tối đến, khi đã nằm vào chăn rồi, các em thay nhau kể chuyện ma. Tôt-tô-chan và các em lớp một khác sợ phát khóc lên. Tuy thế, nhưng vẫn hỏi:
- Thế rồi sau thế nào?
Khác hẳn với việc cắm trại trong trường và "cuộc thử thách lòng dũng cảm", ba ngày ở suối nước nóng Toi là một dịp để các em tiếp xúc thực tế cuộc sống. Ví dụ, lần lượt các em đều phải đi chợ mua rau cá và khi có có ai hỏi các em học trường nào, ở đâu đến, các em phải trả lời thật lịch sự lễ phép. Một vài em suýt nữa bị lạc lạc vào rừng. Một vài em khác bơi quá xa không về được đã làm mọi người lo lắng. Một vài em khác nữa giẫm phải mảnh thủy tinh vỡ trên bãi biển chảy cả máu chân. Trong những trường hợp như vậy, ai nấy đều hết sức mình để giúp bạn.
Nhưng nhìn chung rất vui. Có một khu rừng đầy ve sầu và một cửa hàng bán kem que. Các em còn gặp một người đàn ông trên bãi biển đang tự đóng lấy một chiếc thuyền to bằng gỗ, trông đã ra hình một chiếc thuyền. Và sáng sáng, việc đầu tiên là các em chạy ra bãi biển xem ông ấy đã làm thêm được những gì. Ông ấy cho Tốt-tô-chan miếng vỏ bào uốn cong và rất dài.
Hôm các em phải trở về trường, thầy hiệu truởng hỏi:
-Ta chụp một bức ảnh kỷ niệm nhé! Các em nghĩ thế nào?
Chưa bao giờ các em có một tấm ảnh chụp chung và thế là các em thích lắm. Nhưng khi cô giáo vừa lấy được cái máy ảnh sẵn sàng chụp, thì có bạn lại vào nhà vệ sinh, bạn khác đi giày trái chân phải đổi lại. Cuối cùng khi cô giáo nói:"Nào các em đã xong chưa?", vẫn còn một hai em đang nằm dưới đất, mệt vì phải đứng quá lâu trong một tư thế cố định. Chụp một tấm ảnh mất bao nhiêu là thì giờ.
Nhưng tấm ảnh đó, có biển làm nền và mỗi học sinh ở tư thế mình thích, đã trở thành một vật báu vô giá đối với từng em một. Chỉ cần nhìn vào ảnh là các kỷ niệm lại ùn ùn kéo về, nào là chuyến đi tham quan bằng tàu thủy, suối nước nóng, những câu chuyện ma và cậu học sinh kêu "ù, ù" trên tàu. Không bao giờ Tốt-tô-chan quên được ngày nghỉ hè đầu tiên sung sướng ấy.
Đó là những ngày bạn còn có thể bắt được tôm trong cái ao gần nhà các em ở Tô-ky-ô, và xe của bác quét rác còn do một con bò đực to kéo.
---

Bộ môn thể dục nghệ thuật

Sau kỳ nghỉ hè, học kỳ hai bắt đầu vì ở Nhật năm học bắt đầu vào tháng tư. Ngoài các bạn cùng lớp, Tôt-tô-chan còn làm quen với các bạn trai gái lớn hơn nhờ các cuộc sinh hoạt trong dịp nghỉ hè. Và em càng yêu trường Tô-mô-e Ga-ku-en hơn.
Ngoài việc các lớp học ở đây không giống lớp học ở các trường bình thường khác, trường Tô-mô-e còn giành nhiều thời gian hơn cho việc học âm nhạc. Có tất cả các loại bài học âm nhạc, kể cả một tiết "thể dục nghệ thuật" hàng ngày. Môn thể dục nghệ thuật" là sáng kiến của một giáo sư và nhà soạn nhạc Thụy sỹ tên là Ê-mi-lơ Giăc-cơ Đan-crô-dơ. Người ta biết đến những nghiên cứu của ông vào khoảng năm 1904. Phương pháp của ông được nhanh chóng chấp nhận ở châu Âu, châu Mỹ. Những cơ quan nghiên cứu, đào tạo mọc lên khắp nơi. Dưới đây là câu chuyên về môn thể dục nghệ thuật của Đan-crô-dơ đã đươc đưa vào chương trình học ở trường Tô-mô-e như thế nào.
Trước khi mở trường Tô-mô-e Ga-ku-en, thầy hiệu trưởng Sô-ba-ku Kô-ba-y-a-si, đã sang châu Âu để tìm hiểu trẻ em nước ngoài được giáo dục như thế nào. Ông đi thăm nhiều trường tiểu học và tiếp xúc với nhiều nhà giáo dục. Ở Pari, ông gặp ông Đan-crô-dơ, một nhà soạn nhạc giỏi, đồng thời là một nhà giáo dục. Đan-crô-dơ đã để tâm suy nghĩ nhiều năm về việc dạy trẻ em nghe và cảm thụ âm nhạc bằng tâm hồn chứ không phải chỉ bằng tai; để các em cảm thấy rằng âm nhạc là một cái gì đó sống động chứ không phải buồn bã vô hồn, để khơi dậy tính nhạy cảm của trẻ.
Về sau, trong khi quan sát các em nhảy và đi lại tung tăng, ông nảy ra sáng kiến tạo ra những bài tập nhịp điệu, mà ông gọi là "thể dục nghệ thuật". Ông Kô-ba-y-a-si theo học trường Đan-crô-dơ ở Pari hơn một năm và nghiên cứu thật kỹ lưỡng phương pháp này. Nhiều người Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng của Đan-crô-dơ. Nhà soạn nhạc Kô-sac Y-a-ma-đa, người khởi xướng khoa múa hiện đại ở Nhật Bản, Ba-kư I-si-i, nghệ sĩ Ka-bu-ki I-chi-ka-oa Sa-đan-gi II, người tiên phong của nền kịch nói hiện đại Kao-ru Ô-san-nai; diễn viên múa Mi-chi-ô I-tô. Tất cả những người này đều cảm thấy những bài dạy của Đan-crô-dơ là nền tảng của nhiều bộ môn trong nghệ thuật. Nhưng Sô-sa-ku Kô-ba-y-a-si là người đầu tiên áp dụng nó vào nền giáo dục tiểu học ở Nhật Bản.
Nếu bạn hỏi ông "Thể dục nghệ thuật" là gì, ông sẽ trả lời:
- Đấy là một môn thể thao làm cho bộ máy cơ thể hoàn thiện hơn; một môn thể thao dạy cho trí óc điều khiển và chế ngự thân thể; một môn thể thao khiến đầu óc và thân thể hiểu được nhịp điệu. Rèn luyện thể dục nghệ thuật làm cho nhân cách phát triển hài hòa; có một nhân cách phát triển hài hòa thì đẹp, khỏe, thích hợp và tuân thủ các quy luật của thiên nhiên.
Các buổi học của Tôt-tô-chan đều bắt đầu bằng việc rèn luyện cho thân thể hiểu được nhịp điệu. Thầy hiệu trưởng thường đánh pi-a-nô trên sân khấu nhỏ trong phòng họp và các học sinh, dù đứng ở đâu đều bắt đầu đi theo nhịp nhạc. Các em có thể đi theo kiểu nào cũng được miễn là không đươc xô đẩy, do đó các em có xu hướng đi theo đường vòng tròn. Nếu các em thấy nhạc là điệu nhịp hai, các em thường vung tay lên xuống, như một nhạc trưởng, trong khi đi. Còn về chân, các em không giẫm mạnh, nhưng không có nghĩa là đi bắng đầu ngón chân như trong ba-lê. Nguời ta dạy các em đi thật thoải mái, y như thể kéo lê ngón chân vậy. Điêu quan trọng là phải tự nhiên, nên các em có thể đi theo kiểu nào các em cho là hợp nhất. Nếu chuyển sang nhịp ba, các em vung tay theo cho đúng và điều chỉnh bước đi theo nhịpn hoặc đi nhanh hơn hay chậm hơn theo yêu cầu. Các em phải học cách giơ tay lên và hạ tay xuống cho hợp với nhip sau. Nhịp bốn thì khá đơn giản:
- Xuống, xung quanh, ra hai bên và lên. Nhưng khi là nhịp năm thì:
- Xuống, xung quanh, ra phía trước, ra hai bên và lên.
Trong khi đó, đối với nhịp sáu, cánh tay:
- Xuống, xung quanh, ra phía trước, lại xung quanh, sang hai bên và lên.
Do đón khi đổi nhịp là khá khó.
Điều còn khó hơn nữa là khi thầy hiệu trưởng nói to:
- Dù tôi có đổi nhịp trên đàn pi-a-nô, các em hãy đợi khi nào tôi bảo đổi hãy đổi.
Giả thử các em đang đi theo nhịp hai và nhạc chuyển sang nhịp ba, các em phải tiếp tục đi theo nhịp hai trong khi nghe nhịp ba.
Như vậy là rất khó, nhưng thầy hiệu trưởng nói là để rèn luyện khả năng tập trung của các em.
Cuối cùng ông nói to:
- Bây giờ các em có thể chuyển được!
Thật là nhẹ nhõm cả người, các em chuyển ngay sang nhịp ba. Nhưng làm được vậy các em phải phản ứng hết sức nhanh. Trong thời gian cần thiết để ý thức kịp bỏ nhịp hai và điều khiển các cơ bắp cho phù hợp với nhịp ba thì nhạc có thể bất thình lình chuyển sang nhịp năm. Lúc đầu, chân tay các em khua lung tung và thường thấy có tiếng đề nghị: " Thầy ơi! Đợi chúng em với!" nhưng dần dà, do tập luyện, các động tác đó trở nên vui, thậm chí các em còn cải biên và rất thích thú.
Thường thường, mỗi em chuyển động chân tay một cách riêng rẽ, nhưng thỉnh thoảng có từng cặp cùng phối hợp động tác, cầm tay nhau khi là nhịp hai, hoặc khi các em thường tập bước đi nhưng nhắm mắt. Điều cấm kỵ duy nhất là không được nói chuyện.
Thỉnh thoảng khi có cuộc họp của Hội cha mẹ học sinh và giáo viên, các bà mẹ thuờng ghé nhìn qua cửa sổ. Theo dõi từng em một, lúc giơ chân tay một cách nhẹ nhàng thoải mái, lúc nhảy qua lại một cách hớn hở, khớp với nhịp điệu của bài nhạc, ai cũng thấy vui vui.
Do đó, mục đích của môn thể dục nghệ thuật trước hết là để rèn luyện trí óc và cơ thể có ý thức về nhịp điệu, nhờ đó đạt đến sự hài hòa giữa trí óc và cơ thể, và cuối cùng khơi dậy trí tưởng tượng, đẩy mạnh tính sáng tạo.
Hôm Tôt-tô-chan đến trường lần đầu tiên, Tôt-tô-chan nhìn thấy tên trường trên cổng và hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, Tô-mô-e nghĩa là gì hả mẹ?
"Tô-mô-e" là một ký hiệu có hình dấu phẩy và thầy hiệu trưởng đã chọn cho trường mình cái biểu tượng truyền thống gồm hai "Tô-mô-e"- một đen một trắng kết vào nhau thành một vòng tròn hoàn hảo. Điều này tượng trưng cho mục đích của ông đối với trẻ em: cơ thể và trí tuệ cùng phát triển tuyệt đối hài hòa.
Thầy hiệu trưởng đã đưa môn thể dục nghệ thuật vào chương trình ở trường vì ông cảm thấy nhất định môn này sẽ mang lai kết quả tốt và giúp cho nhân cách của các em phát triển một cách tự nhiên, không chịu ảnh hưởng quá nhiều của người lớn.
Thầy hiệu trưởng phàn nàn về nền giáo dục đương thời quá nhấn mạnh vào chữ viết, như vậy sẽ làm teo sự cảm nhận thiên nhiên qua giác quan và sáng tạo bản năng của trẻ đối vói tiếng nói hãy còn non nớt của Chúa, đó là cảm hứng.
Chính nhà thơ Ba-sô đã viết:
Hãy nghe! Một con ếch
nhảy vào sự yên tĩnh
của một mặt hồ cổ
Ấy vậy mà đẫ có biết bao nhiêu người, hẳn đã phải thấy hiện tượng một con ếch nhảy vào mặt hồ. Trải qua bao nhiêu thời đại, trên khắp thế giới, Oát và Niu-tơn không thể là những người duy nhất để ý đến hơi nước thoát ra từ một ấm nước đang sôi và nhận xét một quả táo rơi.
Có mắt, nhưng không nhìn thấy vẻ đẹp; có tai, nhưng không nghe được âm nhạc; có óc, nhưng không nhận ra chân ký; có trái tim, nhưng không bao giờ rung đông, và do đó không bao giờ rực cháy. Thầy hiệu trưởng nói đó là những điều đáng sợ.
Còn Tôt-tô-chan, trong khi chạy nhảy chân không, như I-sa-đo-ra Đun-can, em vô cùng sung sướng và hầu như không ngờ rằng đấy lại là một phần của sinh hoạt nhà trường!



Không có nhận xét nào: